Người dân Lào Cai sống trong vùng sạt lở: "Ngàn cân treo sợi tóc“
VOV.VN - Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, mưa lũ tại Lào Cai đã khiến 22 người chết và mất tích
Lũ quét, sạt lở đất là 2 loại hình thiên tai đặc trưng, thường xuyên xảy ra đối với các địa bàn vùng núi của tỉnh Lào Cai mỗi mùa mưa bão.
Hậu quả để lại của những đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn.
Một trường học của xã Dương Quỳ - huyện Văn Bàn, Lào Cai ngập bùn sau cơn lũ
Để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc đó, Lào Cai đang khẩn trương di dời những hộ dân còn trong vùng nguy hiểm ra nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân sống trong vùng sạt lở tính mạng " Ngàn cân treo sợi tóc".
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, mưa lũ tại Lào Cai đã khiến 22 người chết và mất tích, hơn 1.300 nhà dân bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại lên tới gần 300 tỷ đồng.
Không phải trực tiếp bão đổ bộ vào, cũng chẳng phải dông lốc, sét đánh, chỉ là mưa lớn kéo dài gây nên tất cả. Hễ mưa tập trung ở khu vực nào là nơi ấy xuất hiện lũ quét, sạt lở, thiệt hại về vật chất đã đành nhưng những thiệt hại về người là quá lớn.
Chỉ đạo tại buổi làm việc về công tác khắc phục sau mưa lũ tại Lào Cai vào ngày 5/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc Lào Cai là địa phương bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 2 gây mưa, nhưng thiệt hại thì cao gấp nhiều lần so với các địa phương phải hứng chịu bão trực tiếp, đặc biệt là về người.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai phải khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm: “Lào Cai phải có quy hoạch bố trí lại dân cư và có kế hoạch để di chuyển, phải hết sức nghiêm túc trong việc tính toán, không được để bố trí công trình vào những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Đây là một công việc mà chính phủ nhắc rất nhiều lần đối với các địa phương rồi. Nhưng mà mỗi lần mưa bão đến, thì dân biển người ta phải chọi trực tiếp với bão thì lại không thiệt hại về người, trong khi đó ở miền núi chúng ta mưa lũ lại gây chết người rất thương tâm”.
Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, công tác di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm của Lào Cai đã được tăng cường. Tuy nhiên thực tế cho thấy tiến độ di dời còn rất chậm. Tính cả từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Lào Cai mới chỉ di dời được gần 200 hộ dân ra nơi an toàn, đây là một con số hết sức khiêm tốn so với hơn 1.000 hộ dân nữa vẫn đang ngày đêm cận kề hiểm nguy.
Chị Chảo Tả Mẩy ở thôn Sủng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát - người trực tiếp chứng kiến trận lũ quét hôm 5/8 khiến 3 người chết, 16 hộ dân bị cô lập chia sẻ: “Nếu mà trời không mưa thì không cảm thấy sợ nhưng hễ trời mưa là lại run người, mình không bao giờ nghĩ mình có thể quay về làng nữa vì đã quay về đấy là không thể ra được, sau lũ cũng không còn nhà để ở nữa rồi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, công tác sắp xếp di dời dân cư là công tác luôn được tỉnh ưu tiên chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn cả từ phía chính quyền lẫn người dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Do điều kiện chưa bố trí được đất đai, thêm vào đó kinh phí hỗ trợ di dời cho mỗi hộ chỉ được 20 triệu đồng nên các hộ không muốn di dời. Thêm nữa tính chủ quan của người dân, rất chủ quan, lâu nay do tính chủ quan nên khi xảy ra thiên tai bất ngờ thì thiệt hại sẽ khôn lường”.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, nguồn vốn cho mỗi khu tái định cư rất tốn kém, lên tới vài chục tỷ đồng. Thế nhưng đến khi bố trí được mặt bằng rồi, các hộ đồng ý di chuyển ra nơi ở mới thì cũng không phải đã đi được ngay, vì họ còn nặng nề theo phong tục của mỗi địa phương, mỗi dân tộc như xem hướng, chọn ngày, giờ… trong khi thiên tai thì luôn ập đến bất ngờ.
Thực tế hiện nay, bằng nhãn quan phóng viên ghi nhận tại nhiều khu vực ở Lào Cai do mưa kéo dài đã xuất hiện các vết sạt lở, nhưng vẫn còn dân cư sinh sống, thậm chí những gia đình nằm trong vùng nguy hiểm như ven suối, ven taluy đã có người bị chết do lũ quét, sạt lở vẫn tiếp tục quay về ở nơi ở cũ. Có lẽ vì thế mà hoàn lưu sau những cơn bão mưa lớn kéo dài người dân các tỉnh miền núi như Lào Cai lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Dư luận cho rằng, trước khi tính đến những phương án sắp xếp dân cư lâu dài, Lào Cai cần khẩn trương và quyết liệt hơn nữa để di chuyển tất cả những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm do thiên tai có thể gây ra về nơi an toàn, tránh để tính mạng của họ ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Để rồi sau những đợt mưa lũ lại phải rơi nước mắt muộn màng nuối tiếc./.