Người dân miền núi Quảng Nam nơm nớp nỗi lo sạt lở
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 2.500 hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở đồi, núi chưa được di dời. Những trận mưa lớn liên tục làm đất rừng ở nhiều khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam rạn nứt, đe dọa cuộc sống bà con. Người dân sống dưới chân núi nơm nớp lo sợ.
Gia đình ông A Tinh M Lô, ở Tổ dân phố Gừng, thị Trấn Prao, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam sống dưới chân núi. Đến mùa mưa lũ, cả nhà nơm nớp lo sợ sạt lở núi. Ông ATinh M Lô cho biết, khi có mưa lớn, cả nhà chuyển đến ở tạm nhà người thân, hoặc lên Nhà văn hoá, Nhà cộng đồng thôn để trú tránh: “Mùa mưa bà con cũng sợ, đồi này hay sạt lở rất nguy hiểm. Trước đây cũng có sạt lở bên phía trên đồi có dấu hiệu nứt. Mong muốn của người dân là chính quyền quan tâm làm bờ kè để cho bà con tâm sinh sống”.
Khu vực tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có 30 hộ dân với trên 100 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi thôn Gừng. Chị Pơloong Thị Mai, người dân địa phương cho biết: cuối năm 2022, do ảnh hưởng của mưa bão, khu vực này bị sạt lở, đất đổ xuống sát vách nhà của nhiều hộ dân. Tại một vị trí trên núi đang xuất hiện vết nứt dài khoảng 2 mét, sâu khoảng 3 mét và rất dễ mở rộng thêm, gây sụt trượt khu dân cư bên dưới.
Chị Pơloong Thị Mai nói: “Mỗi lần mưa lớn là người dân phải sơ tán. Mưa to chúng tôi qua nhà cộng đồng ở tạm. Mấy hôm nay mưa to không dám ở nhà, sợ sạt lở núi. Năm ngoái sạt lở sau nhà, bà con phải di dời”.
Trên địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có khoảng 300 hộ dân ở các xã Arooi, Za Hung, Cà Dăng và thị trấn Prao nằm trong nguy cơ sạt lở núi cần được di dời. Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di dời dân đến khu vực an toàn khi xảy ra mưa lũ; vận động bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm đủ ăn từ 7 đến 10 ngày.
Ông Đỗ Hữu Tùng nói: “UBND huyện Đông Giang tiếp tục rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở, đặc biệt di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nắm được thông tin về tình hình thời tiết trong mùa mưa bão. Cụ thể, tại Tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, đây là khu vực có đồi núi dốc khi xảy ra lượng mưa lớn gây lũ ống, lũ quét, khả năng nguy cơ sạt lở rất cao. Phía trên có quả đồi có hiện tượng rạn nứt, trong dự án đã phê duyệt rồi, sẽ tiến hành khởi công giảm thiểu về nguy cơ sạt lở tại khu vực này”.
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 2.500 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đồi, núi. Từ nay đến năm 2025, địa phương này lên kế hoạch bố trí sắp xếp khoảng 7.000 hộ dân ở vùng miền núi có nguy cơ cao đến nơi ở mới.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước mùa mưa bão năm 2023, chúng tôi chỉ đạo các ngành chức năng chủ động phòng chống thiên tai và đặc biệt là vấn đề sạt lở. Phải tuyên truyền cho các hộ dân nằm vùng nguy cơ sạt lở khu vực miền núi biết được nguy cơ sạt lở để tìm nơi trú tránh an toàn; Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm và cụ thể là 4 tại chỗ sẵn sàng nếu xảy ra sự cố tắc đường phải đảm bảo đủ lương thực trong 1 tháng. Các địa phương nhận biết nguy cơ sạt lở phải cắm biển báo kịp thời để cho các hộ dân di dời".