Người dân ở Điện Biên bức xúc về dự án đường động lực chậm tiến độ
VOV.VN - Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm dọc Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12 tại tỉnh Điện Biên (gọi tắt là đường động lực) được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhưng đang chậm tiến độ, gây bức xúc cho người dân.
Người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên bức xúc trước thực trạng dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm vùng dọc Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12 (tuyến nhánh Thanh Hưng) bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành vào cuối năm 2024 như dự kiến. Cả đoạn đường dài hơn 1 km hiện trong tình trạng lầy lội, khó di chuyển, trong khi ngày nắng lại ngập trong bụi mù mịt.
Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết, trước những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương cũng chỉ biết liên tục thúc giục chủ đầu tư, các đơn vị thi công đảm bảo giao thông. Trước mắt người dân và các phương tiện tham gia giao thông qua đây phải tạm khắc phục đi đường tránh vòng qua bản vào UBND xã, tuy nhiên con đường này nhỏ các xe tải lớn qua lại thường xuyên sẽ không đảm bảo an toàn giao thông.
"Các đơn vị làm không khớp nối, chỗ làm chỗ không. Trách nhiệm của xã cũng chỉ hướng dẫn người dân đi lại và trao đổi thông tin với bên quản lý dự án chứ cũng không thể chỉ đạo thi công được", ông Lường Văn Tọ nói.
Ông Nguyễn Minh Tuân, Quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Điện Biên, chủ đầu tư dự án cho biết, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công vẫn được xác định là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 35km, trong đó phần tuyến đường ngoài phạm vi đô thị thuộc huyện Điện Biên có chiều dài khoảng 29km vẫn còn khoảng 3,5km chưa có mặt bằng để thi công. Khu vực phạm vi thành phố Điện Biên Phủ còn 74 hộ chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Những lý do này khiến dự án không thể hoàn thành vào năm 2024 như đã dự kiến. Điều này đòi hỏi cần nhiều hơn nữa các giải pháp và sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương.
"Đối với công tác triển khai thi công, đơn vị cũng xác định rõ việc có mặt bằng đến đâu sẽ triển khai thi công đến đó, yêu cầu các nhà thầu phải tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị tăng ca, tăng kíp, tranh thủ mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời chủ động về nguồn nguyên vật liệu do thời điểm cuối năm các dự án đều đẩy nhanh tiến độ dễ dẫn đến khan hiếm vật liệu. Cùng với đó tiến hành một giải pháp rất quan trọng là tăng cường bám sát người dân tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chấp hành các phương án đền bù", ông Nguyễn Minh Tuân cho hay..
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Điện Biên đã phải ban hành Quyết định số 2155, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thêm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là từ việc xác minh nguồn gốc đất. Nguyên nhân do tính lịch sử của công tác quản lý đất đai trước đây để lại, địa phương chưa có nguồn lực để thực hiện việc đo đạc bản đồ, địa chính chính quy, thống kê sử dụng đất đai. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, địa phương phải mất nhiều thời gian, thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành để xác định.
"Để giải quyết vấn đề này, khi có quy định mới của Luật Đất đai 2024, nhiều nội dung vướng mắc do tính lịch sử của đất đai đã được tháo gỡ. UBND tỉnh Điện Biên cũng đã kịp thời ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn để thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân theo quy định của pháp luật", ông Lê Thành Đô cho hay.
Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm dọc Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12 tại tỉnh Điện Biên có thời gian thực hiện từ năm 2021–2024, với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 35km. Phạm vi xây dựng trên địa bàn các phường: Noong Bua, Him Lam, Thanh Trường, Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) và các xã: Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Thanh Xương (huyện Điện Biên).
Việc UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 2155 để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là việc làm cần thiết, nhưng để đáp ứng kỳ vọng của người dân, các bên liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó đảm bảo sớm hoàn thành dự án, giúp cải thiện hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân giữa vùng kinh tế động lực của tỉnh với bên ngoài, tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh như đã kỳ vọng.