Người dân tộc thiểu số ở Bình Thuận làm kinh tế giỏi

Trong số họ, mỗi người đều có khởi nghiệp khác nhau nhưng cùng có chung một ý chí, quyết tâm không để gia đình sống trong cảnh nghèo đói, họ đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm nay mới tròn 28 tuổi nhưng gia đình anh K’Văn Du, dân tộc K’Ho, ở thôn 1, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc đã sở hữu một gia tài  khá lớn. Với 1 ha hoa màu, 1 ha điều, đàn lợn đen gần 100 con, đàn bò gần 50 con… hàng năm trừ hết chi phí, gia đình anh thu lãi trên 80 triệu đồng. Theo anh Du, gia đình anh có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cấp đất sản suất, giao khoán rừng, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất…

Anh Du cho biết, trước đây, sản phẩm của bà con làm ra chỉ mang tính “tự cung tự cấp” nên giá trị không cao. Vì vậy, để sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đến giá trị kinh tế của sản phẩm mình làm ra. Anh Du tâm sự: “Xác định cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với những kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình làm ăn ở các xã đồng bằng, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở trang trại hơn 1ha chủ yếu nuôi heo đen kết hợp với nuôi gà và thu được kết quả rất khả quan”.

Còn anh Phan Văn Liếp, dân tộc Raglai, ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh kể, 15 năm trước, gia đình anh vô cùng khó khăn, không có đất sản xuất, không vốn liếng; đời sống chỉ trông vào nghề săn bắt thú rừng, đốt than, làm thuê làm mướn, cực khổ quanh năm, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhưng với ý chí quyết tâm không để gia đình sống trong cảnh nghèo đói, anh luôn suy nghĩ tìm cách làm giàu chính đáng.

Năm 1990, gia đình anh quyết định khai phá vùng đất hoang, đồi trọc với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, kết hợp với những kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước và được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ vốn vay, vật tư sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 8 ha đất trồng điều, trồng rừng, ngô lai… Hàng năm, gia đình anh có tổng thu nhập từ sản xuất và chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng. Nhà cửa khang trang, các con của anh được học hành đến nơi đến chốn.

Khác với anh Liếp, anh Tsằn Boi Lộc, dân tộc Hoa, ở thôn Hải Lạc, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình lại làm giàu từ cây lúa. Hải Ninh là vùng cao của huyện Bắc Bình, tổng diện tích trồng lúa của xã là 1.993 ha. Những năm qua, được Nhà nước quan tâm xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu nên bà con nơi đây đã sản xuất được 2 - 3 vụ lúa, năng suất đạt bình quân từ 4,5 - 6 tấn/ha. Vì vậy, sản lượng lúa làm ra trên địa bàn xã ngày càng nhiều. 

Tuy nhiên, do chưa có đầu ra ổn định, thường bị tư thương ép giá nên người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn bữa no bữa đói. Để tận dụng nguồn nông sản dồi dào và giúp bà con nông dân thoát khỏi cảnh ép giá của thương buôn, anh đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng và được sự hỗ trợ thêm từ các anh em, xây dựng nhà máy xay lúa với công suất gần 8 tấn/ngày, chất lượng gạo trắng, bóng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ gạo của bà con trong vùng.

Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình anh thu lợi hơn 120 triệu đồng, ngoài ra còn giúp cho trên 15 lao động có việc làm ổn định với mức lương hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh còn liên hệ với Trung tâm giống cây trồng Nha Hố tỉnh Ninh Thuận, mỗi năm nhập về gần 400 tấn giống lúa chất lượng giúp bà con nông dân trong xã hạn chế được sâu bệnh, đảm bảo gieo trồng kịp thời mùa vụ, góp phần nâng cao sản lượng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tích cực tham gia các họat động xã hội, vận động kiều bào cùng với nhân dân địa phương đóng góp tiền của để xây dựng những tuyến đường nhựa hóa, giúp cho việc đi lại của bà con thuận tiện hơn. Anh mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng chợ cho bà con, vì khu chợ cũ hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn thu từ hơn 100 con bò, gần 5 ha lúa mỗi năm sản xuất 3 vụ, cộng với dịch vụ phân phối phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng và đặc biệt thu mua và chế biến nông sản mỗi năm đem về cho gia đình chị Tiền Thị Hận, dân tộc Chăm, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình trên 150 triệu đồng tiền lãi. Đến nay, vốn lưu động của gia đình chị đã hơn 1 tỷ đồng. Nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu, nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con vùng này ngày càng mở rộng và phát triển theo xu hướng sản xuất hàng. Chính vì vậy mà nhu cầu thu mua nông sản cũng như cung cấp các vật tư nông nghiệp, vốn sản xuất là rất cao.

Nhờ sự họat bát và uy tín của mình, gia đình chị ngày càng được nhiều bà con trong xã tìm đến ký kết hợp tác làm ăn. Khởi nghiệp bằng công việc buôn bán nhỏ lẻ, dần dần có thêm vốn, gia đình chị mới mở rộng buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất, cung ứng giống cây trồng, rồi giúp vốn cho bà con sản xuất. Chị tâm sự, để có được chút thành công đó, chị cùng gia đình phải tính toán chi ly, kết hợp nhiều mô hình làm ăn, vừa sản xuất vừa chăn nuôi bò, vừa buôn bán kinh doanh, thu mua và chế biến nông sản. “Đi lên từ nghèo khó, nên chúng tôi thấu hiểu được được sự khó khăn của bà con. Vì vậy chúng tôi giúp bà con, đến khi thu hoạch bà con lại bán sản phẩm cho mình. Bà con nào thiếu gạo ăn thì tôi cung cấp gạo, hộ nào không có vốn thì tôi giúp vốn để làm ăn nhưng không lấy lãi”.

Sự phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước đã làm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận. So với đầu năm 2005, số hộ nghèo giờ đã giảm hơn 14%. Số hộ giàu ngày càng tăng, hiện toàn tỉnh có 21 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và toàn quốc, hàng trăm hộ đạt danh hiệu cấp cơ sở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên