Người dân TP.HCM hiến gần 5,4 triệu m2 đất để mở hẻm
VOV.VN - Sáng 14/7, Thành uỷ TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2020 đến nay.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM biểu dương những tấm gương điển hình trong việc hiến đất mở hẻm cũng như trân trọng sự nỗ lực của cán bộ cơ sở đã kiên trì, vận động, tạo sự đồng thuận… Theo ông Mãi, trước đây, TP có nhiều đường, hẻm nhỏ, diện tích nhỏ hẹp ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sinh kế, dân sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Gỡ điểm nghẽn này sẽ tạo động lực, xung lực mới cho sự phát triển. Đây là chuyện không nhỏ và là chủ trương rất đúng của thành phố khi đã kiên trì và đạt kết quả rất to lớn, giúp cho đời sống người dân cải thiện tốt hơn, an toàn hơn, giá trị nhà đất theo đó cũng tăng lên…
Hiến đất mở hẻm không chỉ cải thiện đời sống dân sinh, điều kiện nhà ở cải thiện, giá nhà tăng lên mà còn là nét đặc trưng văn hoá của người dân TP.HCM. Đó là tinh thần “vì cộng đồng, sự phát triển chung của TP”. Đất ở TP.HCM là đất vàng, đất kim cương nhưng bà con sẵn sàng hy sinh và điều này còn có giá trị hơn nhiều. Đây là nguồn lực, động lực cho sự phát triển của TP trong thời gian qua và cũng đã lan toả ra cả nước.
Trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị tiếp tục công tác tuyên truyền vận động để bà con đóng góp đất đai, tài sản trên đất để tiếp tục mở hẻm, làm đường, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Từng xã, phường, quận huyện phải xác định từ nay đến 2025 và đến 2030 có những công trình nào, bàn bạc, báo cáo với bà còn để biết, bàn, cùng tham gia thực hiện. Đặc biệt, năm 2025, cột mốc kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước thì tại từng địa bàn, phường xã của TP cần làm sao để thể hiện quyết tâm không còn hẻm chật hẹp, mất an toàn, không còn các khu dân cư “ổ chuột”, chung cư cũ mất an toàn, trên kênh rạch…
Theo ông Phan Văn Mãi, qua thực tế, có nhiều bà con nhiệt tình ủng hộ nhưng cũng có những bà con chưa đồng thuận như ở đầu hẻm đền bù ít, người bị ảnh hưởng nhiều nên…làm sao phải đảm bảo hài hoà lợi ích. Tại cộng đồng, trên cơ sở đánh giá làm sao có sự hỗ trợ, san sẻ; với hộ có diện tích lớn ảnh hưởng cũng cần có cơ chế hỗ trợ.
"Đề nghị chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương này với những công trình trọng điểm để tập trung phấn đấu và giải quyết bất cập trong thời gian qua đối với hộ ảnh hưởng nhiều, hộ đầu hẻm bằng sự tương trợ lẫn nhau và bằng cơ chế chính thức của thành phố"- ông Phan Văn Mãi cho biết.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành uỷ, từ năm 2000 đến nay, toàn TP.HCM có hơn 168.000 hộ dân hiến gần 5,4 triệu m2 đất, ước tính tương ứng số tiền hơn 10.050 tỷ đồng. Số đất phục vụ cho 5.230 công trình, trong đó hơn 3.800 công trình mở rộng hẻm, hơn 1.200 công trình mở rộng đường và 119 công trình khác. Ngoài diện tích đất được hiến để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng./.