Người dân ven biển tỉnh Quảng Nam làm hầm trú bão

VOV.VN - Nhà không có điều kiện thì đào hầm sâu dưới đất cát rồi dùng gạch hoặc bao tải chằng xung quanh, dùng tôn che phía trên. Gia đình có điều kiện hơn thì xây hầm trú bão bằng bê tông kiên cố.

Sáng 26/9, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam thực hiện sơ tán, di dời dân những địa bàn xung yếu đến nơi an toàn. Với phương châm “4 tại chỗ”, các lực lượng xung kích từng địa phương trực tiếp hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch... để đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch.

Gần 2/3 đời người gắn bó với vùng biển Tĩnh Thủy, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Hận từng chứng kiến nhiều cơn bão dữ. Những năm trước, đời sống còn khó khăn, mỗi khi có bão, người dân vùng biển này đưa toàn bộ vật dụng có giá trị đến nơi an toàn rồi cả nhà đi sơ tán tập trung.

Ông Lê Văn Hận nhớ lại, cách đây 3 năm, khi nghe tin cơn bão số 6 năm 2019 sắp đổ bộ, người dân Tĩnh Thủy cùng nhau làm hầm tránh trú bão. Nhà không có điều kiện thì đào hầm sâu dưới đất cát rồi dùng gạch hoặc bao tải chằng xung quanh, sau đó dùng tôn che phía trên. Gia đình ông Lê Văn Hận có điều kiện hơn nên xây hầm trú bão bằng bê tông kiên cố. Nghe tin bão số 4 sắp vào, vợ chồng ông Hận dọn dẹp lại căn hầm, đưa lương thực, thực phẩm và các đồ dùng sinh hoạt vào để trú bão.

“Chúng tôi xây hầm lên nhưng mới trú tránh một lần, bề ngang rộng khoảng 2m, bề dài khoảng 1,5m”, ông Lê Văn Hận chia sẻ.

Tại 2 xã ven biển Duy Nghĩa và Duy Hải, huyện Duy Xuyên, đầu giờ chiều nay (26/9), gần 900 hộ với gần 3.200 người phải sơ tán đến nơi an toàn. Riêng xã Duy Hải có đến 555 hộ với gần 2.300 người đang sống trong những ngôi nhà xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi bão số 4 đổ bộ. Trong chiều nay, huyện Duy Xuyên di dời các hộ này theo phương án ở xen ghép với người thân và tập trung tại trụ sở cơ quan nhà nước.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương rà soát lại tất cả hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, người già, khảo sát từng nhà để đưa ra phương án cụ thể.

“Chúng tôi sẽ rà soát hết lại, nắm tình hình các hộ dân sống ven sông, ven biển nằm trong trường hợp nguy cơ nước biển dâng. Phương án cuối cùng là trước 9h sáng mai, toàn bộ các hộ này sẽ được di dời đến nơi an toàn”, ông Phan Xuân Cảnh cho hay.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những khu vực trọng yếu ở khu vực ven biển và miền núi, địa phương đã xây dựng từng kịch bản ứng phó cụ thể với các tình huống, cấp độ thiên tai.

“Đến thời điểm này tất cả kế hoạch, phương án di dời dân đã được lên kịch bản chi tiết, bài bản. Trước 9h sáng 27/9, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành tất cả kế hoạch di dời dân với số lượng rất lớn", ông Hồ Quang Bửu cho hay./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên