Người dân vùng lũ Bình Định đối diện nguy cơ “màn trời chiếu đất”
VOV.VN - 40 ngày, 5 đợt lũ liên tiếp làm gần 400 ngôi nhà của dân nghèo bị đổ sập, hàng trăm hộ dân đối diện với nguy cơ sống cảnh “màn trời chiếu đất”.
Nước rút, căn nhà của bà Lê Thị Thu ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước chỉ còn lại đống gạch ngổn ngang. Bà Lê Thị Thu năm nay 74 tuổi, sống một mình cùng người con trai cả mắc bệnh tâm thần. Chồng mất sớm, một mình bà lặn lội sớm hôm bắt từng con cua, con cá, hái từng cọng rau bán lấy tiền đắp đổi qua ngày.
Anh con trai cả 42 tuổi chẳng may bị bệnh, cứ lang thang suốt ngày ngoài đường, về đến nhà là chửi bới. Tài sản đáng giá nhất trong nhà bà Thu là chiếc tủ gỗ đã ngả màu và cái bàn thờ người chồng quá cố. Cuộc đời bất hạnh là vậy, thế mà lũ dữ cũng không tha.
Lũ ùa về, bà Thu chỉ kịp chạy thoát thân, còn cái bàn thờ và tủ gỗ bị vùi dưới đống gạch đổ nát. Lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng bà vẫn cặm cụi ngồi bới từng viên gạch vụn tìm lại chiếc bàn thờ không thì mắc tội với chồng, với con.
Hình ảnh vùng "rốn lũ" huyện Tuy Phước |
Bà Lê Thị Thu cho biết: 5 ngày qua, lũ càn quét sạch, quần áo cũng chỉ còn duy nhất bộ đồ mặc trên người. Hàng ngày, bà kê chiếc giường gấp ven đường làm chỗ ngả lưng, ai cho gì ăn nấy. Giờ bà Thu chỉ mong sớm có cái nhà để thờ phụng chồng.
Cùng chung cảnh ngộ là gia đình chị Hạnh ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. 3 mẹ con có cái nhà chui ra chui vào nay cũng bị lũ cuốn trôi, chỉ còn trơ lại đống gạch vụn nát. Chồng chị Hạnh là ngư dân, mất cách đây 9 năm khi đang đánh bắt trên biển.
Chồng mất sớm để lại căn nhà nhỏ cùng 3 đứa con thơ. Đứa con lớn 22 tuổi thương mẹ vất vả, vào Sài Gòn tìm việc làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Một mình chị Hạnh lặn lội sớm tối, ai thuê gì làm nấy, kiếm cơm sống qua ngày. Nay lũ về, nhà sập, tài sản trôi theo dòng nước lũ, 3 mẹ con đi ở nhờ nhà hàng xóm láng giềng, ai cho gì ăn nấy.
Trong cả 5 đợt lũ vừa qua, huyện Tuy Phước là địa phương thiệt hại nặng nề nhất ở Bình Định. Xã Phước Thuận nằm khu vực phía Đông của huyện, trở thành vùng rốn lũ ở hạ lưu sông Kôn. Đợt lũ thứ 5 vừa qua đã làm 75 ngôi nhà của người dân xã Phước Thuận bị sập hoàn toàn. Cả 5 đợt lũ, xã này có 131 ngôi nhà sập hoàn toàn, gần 500 hộ dân sống cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, địa phương đang kêu gọi mọi người đùm bọc lẫn nhau. Đối với những hộ nhà sập, hiện nay rất khó khăn với cảnh “màn trời chiếu đất”, gạo không có ăn vì nhà sập, nước lũ cuốn trôi các vật dụng. Đối với những hộ nhà sập hoàn toàn không có nơi ở, địa phương vận động những hộ lân cận cho ở tạm trong thời gian chưa sửa lại được. Những hộ nào nghèo, khó khăn, lực lượng thanh niên xung kích của địa phương sẵn sàng đến giúp đỡ khắc phục, sửa chữa.
Đến thời điểm này, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Bình Định đã làm gần 400 ngôi nhà sập hoàn toàn và gần 400 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. UBND tỉnh Bình Định đã dùng 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài tỉnh Bình Định đã đến thăm hỏi, hỗ trợ bà con vùng lũ hơn 20.000 suất quà, tổng giá trị gần 30 tỷ đồng.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng phát đi lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ Bình Định khắc phục hậu quả lũ lụt.
“Tất cả nguồn dự phòng ngân sách năm 2016 của tỉnh, huyện dành cho khắc phục hậu quả lũ lụt. Gia đình có nhà sập được hỗ trợ 50 triệu đồng; huyện ứng ra để dân sửa chữa, xây lại nhà để ăn Tết” – ông Hồ Quốc Dũng nói.
Lũ dữ đi qua để lại những thiệt hại nặng nề cho người dân đất võ Bình Định. Nhà sập, tài sản bị cuốn trôi, gia súc gia cầm cũng trôi theo dòng nước lũ. Người dân vùng lũ Bình Định cần lắm sự chung tay sẻ chia của cả cộng đồng giúp bà con gượng dậy khôi phục sản xuất./. Cuộc sống người dân Bình Định bị đe doạ vì cầu sập, đê vỡ