Người đang ở tù vẫn được cấp Chứng minh nhân dân
VOV.VN -Dự thảo Luật Căn cước công dân không hạn chế người làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.
Thay đổi quy định về thời gian, đối tượng
Liên quan đến tên gọi Chứng minh nhân dân trong dự thảo Luật Căn cước công dân vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hầu hết ý kiến của thành viên Ủy ban đề nghị đổi thành Thẻ căn cước công dân. Đại diện ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và sẽ điều chỉnh theo hướng này.
Về thời hạn sử dụng Chứng minh nhân dân, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, pháp luật về căn cước công dân hiện hành quy định thời hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với công dân ở từng độ tuổi khác nhau do ở mỗi độ tuổi khác nhau thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhận dạng là khác nhau.
Dự thảo Luật quy định theo hướng thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng Chứng minh nhân dân kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Công an tỉnh Nghệ An trao lại CMND cho các phạm nhân trước khi ra trại trong đợt đặc xá (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều này cũng cần nghiên cứu kỹ, đặc biệt là không xác định thời hạn từ 55 tuổi trở lên để phù hợp với thực tế cũng như thuận lợi trong quản lý công dân. Có ý kiến cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh rồi sau đó cập nhật các yếu tố mới về thông tin và nhận dạng trên cơ sở số định danh và dữ liệu thống nhất.
Điểm đáng chú ý là dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có việc phục vụ giao dịch, đi lại
Giảm giấy tờ trong đổi, cấp Chứng minh nhân dân
Về cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quy định cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu về căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mặt khác nếu quy định như hiện nay thì cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, độc lập, vừa không bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 được xác định tại Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 896), vừa không bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trong quá trình thực hiện. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị Chính phủ làm rõ.
Về thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân. Theo đó, công dân đến làm Chứng minh nhân dân chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp Chứng minh nhân dân.
Về thủ tục cấp lại Chứng minh nhân dân, người đến làm thủ tục chỉ phải nộp đơn mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn do các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Quy định này sẽ tạo thuận tiện hơn cho công dân để làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.
Dự thảo Luật quy định đối với Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; trường hợp cần đổi theo mẫu quy định tại Luật này thì thực hiện theo Luật này.
Đồng thời, để các địa phương có thời gian bảo đảm về cơ sở vật chất, nhân lực cho triển khai cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, dự thảo Luật cũng quy định: địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi có đủ điều kiện; chậm nhất từ ngày 1/1/2020, phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này./.