Người đồng tính kết hôn giả để che mắt gia đình
VOV.VN -Có nhiều người đồng tình vì sức ép của gia đình, phải “hợp đồng” lấy một người không yêu và chấp nhận sống đời sống vợ chồng giả.
Theo kết quả một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), hiện vẫn còn tình trạng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) bị phân biệt đối xử ở nơi công cộng và trong tuyển dụng công việc.
Các hình thức phân biệt chủ yếu là dùng lời nói dè bỉu khi nhắc đến người LGBT (chiếm 31,8%); bắt chước một số hành vi ứng xử của LGBT với mục đích giễu cợt (chiếm 29,6%); hoặc luôn lấy người LGBT ra làm trò đùa mua vui (chiếm 27,5%).
(Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở những lời nói, cử chỉ hoặc hành vi trêu đùa, giễu cợt, mức độ phân biệt đối xử trở nên nghiêm trọng hơn khi người LGBT bị từ chối tuyển dụng vào làm việc. Có 23,9% người dân được hỏi cho biết có tình trạng người LGBT bị từ chối tuyển dụng vào làm việc.
Hiện có một tỷ lệ không nhỏ người dân cho biết có một số hình thức phân biệt đối xử được đánh giá ở mức nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, như tình trạng báo chí đưa tin giật gân và hình ảnh sai lệch về người LGBT (chiếm 42,5%) và tình trạng phân biệt đối xử với người LGBT tại nơi công cộng (chiếm 37,3%).
Đặc biệt, tình trạng học sinh, sinh viên bị kỳ thị ở trường học vẫn còn phổ biến (chiếm 39,1%); 77,9% đồng tính nữ muốn bộc lộ bản dạng giới của mình trong khi môi truờng để bộc lộ còn nhiều kỳ thị.
CSAGA cho biết, có những truờng hợp cha mẹ đánh, nhốt con để chữa bệnh vì nghĩ đồng tính là một căn bệnh. Có nhiều trường hợp vì sức ép của gia đình các bạn phải “hợp đồng” lấy một người không yêu và chấp nhận sống đời sống vợ chồng giả.
Đồng tính nữ là người yếu thế
Thời gian gần đây, các phong trào vận động cho quyền của nhóm LGBT ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Xã hội đã có cái nhìn đúng đắn và cởi mở hơn với nhóm LGBT và đây cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận công khai và cũng đạt đuợc những thành công nhất định. Đã có nhiều thay đổi trong hệ thống pháp luật, chính sách để đảm bảo nhiều hơn quyền con người của nhóm còn chịu nhiều thiệt thòi và kỳ thị này.
Trong cộng đồng LGBT, mỗi nhóm lại có những khó khăn riêng trong việc đối mặt với kỳ thị và vi phạm quyền. Riêng với cộng đồng đồng tính nữ, vấn đề mà họ phải vượt qua có những nét riêng biệt, bởi ngoài việc là người đồng tính, họ còn là phụ nữ. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, khi vai trò, vị trí của người phụ nữ nói chung vẫn chưa được ngang bằng với nam giới, tiếng nói và việc ra quyết định của họ cho chính cuộc đời mình còn yếu ớt và khó khăn. Khi họ lại là người đồng tính, thì tiếng nói ấy còn yếu ớt hơn nữa.
Đó chính là lý do mà chúng ta ít thấy sự hiện diện của nhóm đồng tính nữ tại Việt Nam. Các phong trào của họ lẫn vào trong nhóm chung LGBT trong khi các nhóm khác như chuyển giới, đồng tính nam có những nhóm có tiếng nói mạnh mẽ trong các phong trào.
Theo khảo sát của CSAGA, có 83,2% người đồng tính nữ có nhu cầu tham gia các câu lạc bộ hoặc mạng lưới của người đồng tính nữ. Kỳ vọng lớn nhất của họ là để nhận được sự chia sẻ, yêu thương và kết bạn với người cùng cảnh ngộ và nâng cao hiểu biết về quyền của người LGBT.
Ngoài ra, người đồng tính nữ cũng có mong muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng xử, cải thiện kỹ năng giải quyết các vấn đề và kỹ năng thường gặp và tham gia các sự kiện của người LGBT./.