Người giữ kỷ vật đặc biệt của mẹ Thứ

“Mẹ có nhiều kỷ vật, nhưng có lẽ chiếc ống ngoáy trầu này là vật dụng thân thiết nhất của mẹ. Đó là người bạn tri kỷ của mẹ trong những lúc buồn cũng như những lúc vui…”

Thời gian qua đi, sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình của đời người. Mẹ Thứ cũng không ngoài quy luật nghiệt ngã của phận người. Người mẹ của muôn đời đã mất, nhưng những kỷ vật của mẹ còn lại vẫn là những gì vô cùng quý giá, không được lãng quên…

Cơ duyên ngẫu nhiên

Một chiều, tôi gặp nhà báo Huỳnh Trương Phát tại căn nhà số 32 Nguyễn Thái Học, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong lúc trà dư tửu hậu về chuyện đời, chuyện người,  bất chợt tôi thấy trên bàn làm việc của ông có một chiếc hộp rất đẹp, bên trong là một vật rất lạ.

Chiếc ống ngoáy trầu của mẹ Thứ.
Hỏi ông, ông bảo đó là một kỷ vật đặc biệt của mẹ Thứ mà ông may mắn có được. Rồi ông ngậm ngùi kể về những lần được gặp mẹ Thứ: “Tôi có nhiều lần ra thăm mẹ những lúc mẹ còn khỏe mạnh, minh mẫn. Những năm sau này vì bận nhiều công việc, không còn ra với mẹ được nữa, trrong lòng cũng ấy náy nhiều lắm! Khi mẹ mất, mình tôi đến đưa mẹ về với những người con liệt sỹ của mẹ…”.

Câu chuyện về mẹ Thứ luôn ở trong trái tim ông, lúc nào cũng như vậy. Vừa kể chuyện, ông vừa lấy ra nhiều những hình ảnh, những bài viết của ông về mẹ Thứ từ nhiều những năm về trước. Và đặc biệt, có một thứ ông lúc nào cũng cẩn thận giữ gìn, trân trọng, đó là chiếc ống ngoáy trầu mà mẹ Thứ vẫn thường dùng để ăn trầu. Chiếc ống ngoáy trầu này đã đi suốt cuộc đời mẹ, từ thời còn con gái đến lúc mẹ không còn nữa.

Ông Phát chia sẻ: “Mẹ có nhiều kỷ vật, nhưng có lẽ chiếc ống ngoáy trầu này là vật dụng thân thiết nhất của mẹ. Đó là người bạn tri kỷ của mẹ trong những lúc buồn cũng như những lúc vui, khi đưa những người con đi cũng như những lúc đưa con về với đất, chiếc ống ngoáy trầu này cũng không rời khỏi mẹ. Mẹ đã giữ nó bao nhiêu năm…”.

Nhìn chiếc ống ngoáy trầu được nhà báo Huỳnh Trương Phát gìn giữ cẩn thận trong một chiếc hộp rất đẹp ông đặt làm, bên ngoài đặt khung hình mẹ Thứ, bên trong là chiếc ống ngoáy trầu nhỏ, với chiếc lá trầu không đã khô mà không nát ông hái trong vườn trầu của mẹ nhiều năm trước mới thấy tấm lòng trân trọng với những kỷ vật nhỏ bé ấy.

Ông kể về lần may mắn có được chiếc ống ngoáy trầu đặc biệt này cũng là bởi tình cờ. Lần đó,khi ông ra thăm mẹ tại căn nhà riêng của mẹ ở thôn Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thấy một đồ vật bị bỏ quên trong góc nhà. Ông hỏi, anh Lê Tự Hiệp, cháu nội mẹ Thứ (con trai của người con thứ 11 của mẹ) mới nói: “Đó là chiếc ống ngoáy trầu nội vẫn thường dùng, thời gian gần đây vì sức khỏe nội không còn được như xưa nên không dùng nữa!”.

Ông liền xin ngay chiếc ống đó, cùng chiếc bao trầu đã lên nước màu nâu đất mẹ vẫn dùng đựng cau trầu bên người. Ông nhờ anh Hiệp viết mấy chữ: “Chiếc ống xoáy trầu của bà nội Thứ đã dùng mấy chục năm, gia đình xin tặng nhà báo Huỳnh Trương Phát. Thanh Quýt ngày 24/5/2008. Cháu nội Lê Tự Hiệp”.

Nhà báo Huỳnh Trương Phát và những kỷ vật về mẹ Thứ
Ông còn kể, sau đó mấy ngày, cha của anh Hiệp là ông Lê Tự Thận, con trai thứ 11 của mẹ Thứ tưởng anh Hiệp làm mất, nên nằng nặc đòi gặp ông để hỏi cho ra lẽ, nếu không sẽ báo công an. Sau khi gặp gia đình để là rõ mọi chuyện hiểu lầm cho anh Hiệp, gia đình càng trân trọng tấm lòng của ông...

Như một lời tri ân

Ngồi trong căn nhà nhỏ, nghe ông đọc lại từng dòng chữ anh Hiệp viết mà lòng rưng rưng. Ông còn kể trong khi đưa tang mẹ, ông đã hỏi gia đình đôi dép nhựa mẹ thường mang có còn không? Nhưng đáng tiếc trong gia đình không ai biết. Nếu còn có lẽ ông cũng đã nhận được. Đó là kỷ vật vô cùng quý giá của mẹ.

Sau khi mẹ mất, UBND huyện Điện Bàn đã có chủ trương tìm lại những đồ dùng của mẹ để trưng bày trong bảo tàng mẹ Thứ. Nhưng có lẽ những đồ vật đó cũng không còn nhiều nữa, bởi đồ dùng bình thường của mẹ đã mất mát đi khá nhiều trong thời gian mẹ nằm dưỡng bệnh tại Đà Nẵng. Và cũng bởi vì lúc ấy chưa mấy người thấy được tầm quan trọng của việc này. Chỉ đến khi mẹ mất đi, mới cố gắng giữ lại. Thế mới thấy, chỉ một chiếc ống ngoáy trầu nhỏ thôi, nhưng tình cảm còn lại trong đó mới dạt dào và tha thiết. Một nhà báo, một nhà thơ nặng lòng với mẹ như ông thật đáng quý.

Nhà báo Huỳnh Trương Phát và mẹ Thứ năm 2000, khi mẹ còn khỏe.
Ông nói, cả đời làm báo của mình, chiếc ống ngoáy trầu này là tặng phẩm vô giá. Nếu cần, ông có thể hiến tặng cho các bảo tàng, mặc dù vẫn luyến tiếc. Ông nghẹn ngào: “Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. Mình may mắn còn giữ lại được chút gì đó, để mỗi lần thương nhớ lại lần giở ra xem mà lòng thấy rưng rưng! Nhưng mẹ là Mẹ của ngàn đời, mẹ của cả dân tộc Việt Nam, vậy làm sao mình lại giữ những kỷ vật thiêng liêng của mẹ cho riêng mình được! Hãy cứ để những người trẻ sau này thấy được những vật dụng này của một người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, thế thôi!...”.

Tôi cũng chỉ là một người trẻ, nhìn những vật dụng nhỏ bé ấy của một người mẹ vĩ đại cũng không khỏi cảm thấy rưng rưng. Cảm ơn nhà báo Huỳnh Trương Phát. Cảm ơn một tấm lòng nâng niu những kỷ vật của người mẹ tuyệt vời.

Nhà báo Huỳnh Trương Phát hiện là Thường trực Hội nhà báo Quảng Nam, Hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Nam. Làm thơ, viết báo với ông lúc nào cũng là một sự trân trọng với những gì đang bị bỏ quên. Cuối câu chuyện, ông chỉ thầm thì: “Thế là người mẹ gánh trọn nỗi đau mất người thân đằng đẵng gần một thế kỷ ấy đã ra đi. Mẹ đi để trở về và gặp lại những người con thân thương mà mẹ đã dứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành rồi lần lượt ra đi vì độc lập, tự do cho quê hương. Mẹ Thứ là Mẹ Việt Nam anh hùng sống thọ nhất tỉnh Quảng Nam. Bây giờ mẹ đã về bến bình yên vĩnh hằng, nhưng trong lòng con cháu người Việt bao thế hệ, mẹ vẫn là biểu tượng bất tử!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên