Người Hà Nội du Xuân
Tiết trời Hà Nội vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 khá đẹp. Trời rét nhưng không buốt giá, nắng hửng hanh hao vàng vào buổi trưa. Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được rất đông người - từ già, trẻ, trai, gái - chọn là điểm đến trong chuyến du xuân đầu năm.
Xin chữ, cầu đỗ đạt đầu năm
Các khu vực xung quanh khu di tích phút chốc đông chật người và xe. Nở nụ cười tươi trên môi, một tay bồng con gái, tay kia khoác vai vợ, anh Nguyễn Quang Hoàn, đến từ khu tập thể Nam Đồng rảo bước vào khuôn viên Văn Miếu. "Tôi phải chờ khoảng gần 5 phút mới đến lượt mình gửi xe anh ạ. Gớm, người đâu mà đông thế. Cũng may là bãi gửi xe rộng, có bảo vệ trông coi đàng hoàng nên cũng phần nào yên tâm".
Khu vực đặt bia tiến sĩ luôn là địa chỉ thu hút du khách mỗi khi bước chân vào Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Học sinh, sinh viên đến đây, ai cũng muốn chạm tay lên văn bia, lên đầu rùa rồi sờ lên trán mình trước khi đến điện Đại Thành, vái đức Thánh hiền Khổng Tử, vào Nhà Thái học thắp hương khấn thầy Chu Văn An, "bậc vạn thế sư biểu" của đất nước, mong cả năm học hành, thi cử đỗ đạt, "vinh danh bảng vàng".
Sau một hồi thành kính chắp tay khấn vái, bạn Nguyễn Lan Anh, sinh viên Đại học Công đoàn Hà Nội, hồ hởi: Em cầu xin trong năm Kỷ Sửu có sức khoẻ dồi dào, một trí tuệ minh mẫn, gặp mọi sự hanh thông trên con đường học vấn, và nhất là vượt qua các kỳ thi một cách ổn thoả, tốt đẹp. Còn bây giờ, em sẽ đến "phố ông đồ" để xin chữ treo trong góc học tập.
Suốt chiều dài gần 100 mét dọc theo phố Văn Miếu, các nhóm thư pháp đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), câu lạc bộ thư pháp UNESCO và các thư pháp gia lão thành tại Hà Nội vẫn đang từ tốn, chậm rãi múa bút. Bằng năm thể loại: Hành, Chân, Triện, Lệ, Thảo, trên tờ giấy dó, giấy hồng điều tươi thắm, các "ông đồ "mải miết "dệt" nên câu đối đẹp, lời chúc mừng đầu xuân tặng người yêu chữ.
Thư pháp gia Lê Quốc Việt cho biết xuân Kỷ Sửu, những chữ Hán được du khách xin nhiều nhất là 5 chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, cầu mong một năm mới an bình, hạnh phúc. Chữ Nhẫn để biết tu thân, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống; chữ Tâm để giữ lòng mình luôn trong sạch cũng được các bạn trẻ rất thích sưu tầm.
Anh Trần Quốc Chí, Chủ nhiệm câu lạc bộ UNESCO thư pháp Việt Nam, khẳng định: "phố ông đồ" là một sân chơi lành mạnh, có ý nghĩa đối với giới thư pháp nói riêng và người dân thủ đô nói chung. Hi vọng, đây sẽ là một hoạt động thường niên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong mỗi độ Tết đến, xuân về.
Không chỉ có Văn Miếu
Chào mừng 999 năm Thăng Long, Hà Nội, bắt đầu từ mùng 2 Tết và kéo dài hết tháng Giêng âm lịch, khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội tiến hành trưng bày các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa, gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây thành, sự tích vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) mơ thấy Rồng bay lên để quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, sau đó đổi tên là Thăng Long thành vào năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), mở ra trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Lễ hội kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2009) năm nay được tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống vào ngày 30/1, tức mùng 5 Tết tại Công viên văn hóa Đống Đa, mở đầu bằng lễ dâng hương tại Chùa Bộc và Chùa Đồng Quang, hai di tích quan trọng trong quần thể di tích Gò Đống Đa đã được ghi vào sử sách cùng chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Điểm nhấn của chương trình lễ hội là màn biểu diễn kéo dài hơn 40 phút mang tên "Cánh đào báo tiệp", tái hiện hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và đội quân Tây Sơn với trận chiến vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa.
Gần 600 nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật Hà Nội (Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Đoàn Xiếc, Nhà hát múa rối Thăng Long...) cùng khoảng 200 vận động viên tham gia thể hiện, biểu diễn võ thuật, sắm vai quần chúng nhân dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Tối mùng 4 Tết, chương trình nghệ thuật "Sông Cầu hội tụ Thăng Long" với các màn trình diễn quan họ Bắc Ninh và thả hoa đăng diễn ra tại hồ Thiền Quang. Tại sân khấu đền Bà Kiệu, cạnh hồ Hoàn Kiếm là chương trình nghệ thuật mang tên "Hoa Lư hội tụ Thăng Long" với sự tham dự của các đoàn nghệ thuật đến từ Hà Nội và Ninh Bình.
Chiều mùng 5 Tết, tại Sơn Tây sẽ khai mạc Lễ hội vật truyền thống. Tối cùng ngày là đêm hội thời trang "Lụa Hà Đông". Kết thúc chuỗi các hoạt động Lễ hội xuân Hà Nội là chương trình Hội tụ Thăng Long diễn ra vào tối mùng 6 Tết./.