Người làm nghề phát sóng phát thanh
VOV.VN -Càng tự hào hơn, người bạn đời cũng luôn sát cánh, cùng các con kế tục nghiệp bố, góp phần nối dài cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam
Suốt chiều dài lịch sử vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển của Đài TNVN, ông Trần Văn Đốc luôn tự hào đã gắn bó với nghề kỹ thuật phát sóng ngót 40 năm. Càng tự hào hơn, người bạn đời cũng luôn sát cánh, cùng các con kế tục nghiệp bố, góp phần nối dài cánh sóng của Đài TNVN không ngừng bay cao, bay xa.
Dù đã nghỉ hưu, hàng ngày ông Trần Văn Đốc vẫn dõi theo làn sóng của Đài TNVN . |
Năm 1970, chàng thanh niên Trần Văn Đốc từ quê lúa Thái Bình bước vào nghề kỹ thuật phát thanh tại Đài TNVN, với công việc chính là sửa chữa, lắp đặt các thiết bị tại Đài phát sóng Mễ Trì. Chỉ hai năm sau, Đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm bom xuống thủ đô Hà Nội, Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì là mục tiêu trọng yếu, nên cũng bị bom oanh tạc phá sập, Tiếng nói Việt Nam đột ngột ngừng phát gần 9 phút, đồng bào, chiến sĩ cả nước hồi hộp, lo âu.
Cùng với quân và dân thủ đô 12 ngày đêm làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, những người thợ kỹ thuật phát thanh như ông Trần Văn Đốc khi đó cũng ngày đêm “chiến đấu” trong mưa bom bão đạn để giữ vững làn sóng quốc gia. Công việc đó, theo ông Đốc là vô cùng hãnh diện. “Lớp trẻ chúng tôi hồi đó vô cùng hãnh diện được phục vụ cho làn sóng phát thanh, công việc rất là lớn lao. Tôi nhớ nhất là giữa năm 1972, anh em được lệnh sơ tán ra khỏi tổng kho đài Mễ Trì đi sơ tán về Quốc Oai, lắp thiết bị ở trong đài CK2, trong hang Núi Vàng. Địch đánh phá rất nhiều lần, tuy vất vả, gian khổ nhưng anh em chúng tôi vẫn vui vẻ làm việc suốt ngày đêm; làm việc liên tục để đưa tín hiệu lên. Địch đánh phá 12 ngày đêm, anh em chúng tôi túc trực liên tục ở trong hang, phát sóng kịp thời, đảm bảo an toàn và nâng cao tầm Tiếng nói Việt Nam”.
Đầu năm 1973, với thắng lợi lịch sử của Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại, ông Trần Văn Đốc cùng những người thợ kỹ thuật phát thanh của Đài TNVN lên đường xây dựng nhiều cơ sở đài, trạm phát sóng khắp vùng căn cứ cách mạng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh như Cao Bằng, Tân Trào, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Khu Tây Bắc, Việt Bắc, Lào Cai, Hòa Bình.... Đồng thời, ông cùng đội quân kỹ thuật nhiều lần sang Lào để lắp đặt, sửa chữa các hệ thống phát thanh, truyền thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia Lào.
Giải phóng miền Nam, non sông nối liền một dải, kỹ thuật viên Trần Văn Đốc lại vác ba lô “Nam tiến”, tham gia tiếp quản, sửa chữa, lắp đặt, nâng cấp đài phát sóng ở các địa phương khu vực miền Trung; từ Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng, Bình Định đến Khánh Hòa. Những cơ sở này bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đã được những người thợ kỹ thuật phát thanh nhanh chóng khôi phục, hoạt động trở lại. Rồi ông lại cùng đoàn quân kỹ thuật tiếp tục hành trình vào tận các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, lắp đặt các trạm phát thanh phục vụ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Trở về thủ đô Hà Nội, ông tham gia vào đại công trường xây dựng Đài phát sóng VN1 có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đối với ông, được làm việc cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật của Liên Xô (cũ) với toàn bộ trang thiết bị, máy móc, vật tư, kỹ thuật phát thanh hiện đại để xây dựng cơ sở phát sóng cho Đài TNVN là niềm vinh dự lớn trong nghề. Và đây cũng là nơi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát lệnh phủ sóng biển Đông vào năm 2009.
25 năm gắn bó với nghề kỹ thuật phát thanh, lặn lội trong bom đạn chiến tranh ác liệt, ra Bắc vào Nam và nhiều lần sang tận nước bạn Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, những tưởng sẽ dừng chân ở thủ đô Hà Nội, nhưng cái nghiệp kỹ thuật phát thanh thêm một lần nữa đưa ông vào với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đấy là vào năm 1994, ông Trần Văn Đốc cùng đoàn cán bộ của Đài TNVN vào tiếp quản Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc ở thành phố Buôn Ma Thuột.
Đây là cơ sở phát thanh của chế độ cũ được xây dựng từ năm 1960, đã xuống cấp, xập xệ. Ngay sau khi tiếp quản, được sự đầu tư của Đài TNVN, đài phát sóng phát thanh Đắc Lắc được nâng cấp toàn diện. Với khuôn viên rộng gần 20 hec-ta, đài được xây dựng tường rào kiên cố. Cột ăng-ten phát sóng cao gần 200 mét cùng hệ thống máy móc, thiết bị được nâng cấp hiện đại, công suất lớn, đủ để phủ sóng toàn vùng Tây Nguyên rộng lớn, với thời lượng 20/24 giờ trong ngày. Cùng với việc tiếp sóng VOV1, VOV2, đây cũng là nơi phát sóng chương trình phát thanh nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số (VOV4).
Xác định Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình, ông Trần Văn Đốc đã đưa cả gia đình vào sinh sống, rồi cùng nhau gắn bó với nghề kỹ thuật phát sóng phát thanh. Ở Tây Nguyên, Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc là một trong những mục tiêu quan trọng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong những năm 2001, 2004, kẻ xấu xúi giục, kích động, gây bạo loạn, cơ sở phát sóng do ông Đốc quản lý lại thêm một lần được tăng cường bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giữ vững làn sóng của đài phát thanh quốc gia.
Đài phát sóng phát thanh Đăk Lăk (thuộc Đài TNVN) phủ sóng toàn vùng Tây Nguyên. |
Suốt chặng đường 40 năm gắn bó miệt mài với nghề kỹ thuật phát sóng phát thanh, trải qua bom đạn chiến tranh, đi khắp miền đất nước và ra cả nước ngoài, rồi lên Tây Nguyên, ông Đốc cũng chỉ làm một nghề đó. Nay đã nghỉ hưu, gia đình ông sống quây quần trong căn nhà nhỏ cạnh Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc. Hai người con trai lại tiếp tục nối nghiệp bố. Cầm chiếc radio nhỏ trên tay, dò sóng từng chương trình, nghe rõ nét, ông Trần Văn Đốc khẳng định, đó chính là niềm vinh dự, tự hào, niềm hạnh phúc của những con người làm nghề phát sóng phát thanh.
“Bản thân tôi giờ đã nghỉ hưu rồi. Sống ở trên khu vực Tây Nguyên, thấy ngày càng phát triển. Các cháu đều làm việc nối nghiệp của bố, gia đình rất phấn khởi.Theo nghiệp bố thì các cháu luôn luôn được rèn luyện. Chúng tôi rất mong muốn các cháu làm việc ngày càng tốt hơn, phát triển hơn; cùng nắm vững được thiết bị, phấn đấu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp của bản thân mình”. Ông Đốc nói./.