Người liệt sỹ điệp báo công an bí mật có duy nhất một “người thân”
VOV.VN -Người đồng đội coi người liệt sỹ là công an mật như người thân của mình suốt 67 năm qua.
Gần 70 năm đã trôi qua, gia đình ông Đỗ Kim Các (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) vẫn là người thân duy nhất của liệt sỹ điệp báo công an nhân dân Nguyễn Ngọc Phong.
Ông Các kể: “Hôm đó là ngày 16/7/1948, anh Phong nói với vợ chồng tôi rằng, cho anh ăn cơm sớm để đi vào nội thành có việc quan trọng. Khi ăn cơm xong, anh Phong vừa mới ra đến gần đầu xóm, phát hiện có địch cải trang đi tuần, anh Phong né tránh nhưng chúng phát hiện và nổ súng khiến anh hy sinh tại chỗ”.
Ảnh nhà thờ tổ của ông Đỗ Kim Các cùng bát hương thờ liệt sỹ Nguyễn Ngọc Phong |
Để tránh bị lộ cơ sở, mãi đến tối mịt gia đình ông Các và anh em cơ sở mới ra lấy xác ông Phong mang đi chôn cất tại cánh đồng thôn Lộc, làng Xuân Tảo (nay là tổ dân phố Xuân Lộc 1).
Vừa là đồng đội, vừa là cơ sở nuôi dấu đồng chí Phong, nhưng do tính chất công tác đặc biệt “bí mật nằm vùng”, nên ông Các và đồng đội của ông Phong lúc đó cũng không được biết gì về lai lịch, quê quán của đồng chí Nguyễn Ngọc Phong.
Ông Các kể tiếp: “Nom anh Phong thanh tú, nho nhã, nước da trắng trẻo, đi đứng khoan thai, nói năng lịch sự; sử dụng tiếng Pháp rất khá nên mọi người đoán chừng anh là sinh viên một trường nào đó ở Hà Nội trước khi làm điệp báo công an”.
Ông Các trầm ngân một lúc, rồi nói tiếp: “Thật đáng tiếc, tôi là đồng chí, đồng đội cùng hoạt động với anh nhưng cũng không biết gì thêm, ngoài những lời tôi vừa kể”.
Ông Các nói: “Từ cái ngày định mệnh ấy (16/7/1948), tôi còn hoạt động ở vùng hậu địch đến tận tháng 2/1950. Sau đó tôi bị Pháp bắt tù. Khi được thả, tôi chuyển công tác khác và cũng từ đó cho đến nay gia đình tôi vẫn trông nom phần mộ của anh Nguyễn Ngọc Phong chẳng khác gì người thân trong gia đình.
Năm 1954, gia đình tôi đã tổ chức cải táng cho anh Phong. Đến năm 1956, Sở Công an Hà Nội, các cơ quan của địa phương và Nhà nước đã quy tập phần mộ của anh Phong về nghĩa trang Mai Dịch, tại khu C1 (có bia mộ rõ ràng đầy đủ). Từ đó đến nay gia đình tôi vẫn tiếp tục chăm nom hương khói, giỗ, tết thăm viếng phần mộ của anh Phong”.
Ông Các cho rằng: Cái tên liệt sỹ Nguyễn Ngọc Phong được khắc trang trọng trên bia mộ anh ở Mai Dịch là tên thật, còn tên hoạt động của các chiến sỹ điệp báo công an nằm vùng hậu địch thời đó đều phải gọi theo bí danh, anh Phong là “Lê Thăng”, còn ông Các là “Phạm Hùng”…
Mãi đến ngày 27/7/2013, tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Công an thành phố (67, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội mới trang trọng tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho liệt sỹ điệp báo Công an nhân dân Nguyễn Ngọc Phong hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Thế là sau nhiều năm (1996-2013), liệt sỹ Nguyễn Ngọc Phong đã được xác định là sinh năm 1929, quê quán ở phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; nguyên là cán bộ công an quận 6, Hà Nội (nay thuộc huyện Thanh Trì).
“Từ năm 1996 đến nay, tôi đã nhiều lần nhờ báo chí và cả Chương trình “Nhắn tìm đồng đội” của Phát thanh Quân đội nhân dân để mong tìm được tung tích về gia đình, người thân của anh Phong nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín” - giọng ông trầm hẳn xuống, nước mắt lăn trên đôi gò má nhăn nheo.
Người chiến sỹ điệp báo công an nhân dân năm xưa nay đã ở cái tuổi 88, chắc đang hồi tưởng lại thời khắc vĩnh biệt đồng đội của mình vào cái đêm ngày 16/7 cách đây 67 năm.
Ai đến thăm gia đình ông Đỗ Kim Các cũng không khỏi bồi hồi, xúc động về tấm lòng thành kính của ông và gia đình, khi thấy ngay trong căn phòng khang trang đẹp đẽ được coi như Từ đường của gia tộc, bên cạnh bàn thờ tổ tiên họ Đỗ, còn có cả bát hương thờ liệt sỹ Nguyễn Ngọc Phong, người đã từng ăn ở trong gia đình ông khi hoạt động hậu địch và đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc và quê hương.
Nhân dân, cơ quan chính quyền xã Xuân Đỉnh, nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, đã từ lâu và mãi mãi ghi nhận tấm lòng cao cả, thủy chung với nghĩa tình đồng chí, đồng đội của ông Đỗ Kim Các và gia đình ông.
Tấm gương “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” thật đáng để mọi người chúng ta suy ngẫm nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ./.