Người nghèo xuất ngoại

Vượt qua những kỳ sát hạch khắt khe, nhiều người dân tộc Mông, Thái, Sinh Mun… ở huyện nghèo Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã rời những mảnh ruộng bậc thang, nương rẫy để đi xuất khẩu lao động với mong muốn đem lại sự đổi đời cho bản thân và gia đình.

“Đi kiếm con trâu, con bò”

Những ngày đầu tháng 4, khi những bông hoa ban cuối cùng trong những dãy rừng già chuẩn bị trút cánh, mở ra một mùa gieo hạt mới trên vùng cao Điện Biên Đông (Điện Biên) thì hàng chục gia đình nghèo người Thái, Mông, Sinh Mun… ở những vùng sâu, xa lại đang rạo rực chuẩn bị cho những cuộc chia tay chứa đựng đầy khát vọng - xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia.

Anh Lý A Cở, dân tộc Mông ở bản Huổi Múa, xã Keo Lôm, Điện Biên Đông, đã gần 40 tuổi và đang được người dân trong bản tín nhiệm bầu giữ chức trưởng bản. Nhưng do nhà quá đông con lại không có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nên dù gia đình anh đã cố gắng hết sức mà nghèo vẫn hoàn nghèo. “Nếu có lấy một nửa con trâu thì mình cũng chẳng đi XKLĐ. Xa vợ, xa con nhớ lắm, nhưng mình bảo vợ: Cứ ở nhà nuôi con, mình sẽ mang tiền về mua trâu, bò, làm nhà cửa. Tối hôm qua, vợ còn làm thịt con gà cho mình ăn để sáng nay lên đường đấy. Nó cũng mong mình kiếm được tiền để mua con trâu mà” - anh Cở hào hứng cho biết.

Trong số gần 90 người thuộc các dân tộc Thái, Mông, Lào, Sinh Mun… đang chờ đợi hoàn thành nốt những thủ tục cần thiết để lên xe ca về Hà Nội, mở đầu cho chuyến xuất ngoại vì bát cơm manh áo hôm nay, có cả những phụ nữ dân tộc Mông như Sùng Thị Dà, 20 tuổi, ở bản Ao Cá, xã Pú Hồng. Chồng Dà là Vừa A Chua đã đi xuất khẩu sang Malaysia được 6 tháng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh đã gửi về cho chị 25 triệu đồng - một số tiền mà nếu chỉ bằng trồng ngô, lúa trên nương rẫy thì phải mất rất nhiều năm mới gom đủ. “Chồng mình hay gọi điện về thông báo công việc ở bên đó không vất vả lắm và bảo nhớ vợ quá nên bắt mình đi theo sang bên đó. Mọi người đi XKLĐ kiếm tiền được thì mình cũng đi được chứ. Đi XKLĐ là tốt, chứ có phải đi làm điều gì vớ vẩn đâu mà sợ” - Dà tâm sự.

Ông Đinh Mạnh Tuấn, Công ty cổ phần Xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung, đơn vị đang thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn những lao động nơi đây đi XKLĐ cho biết: “Đây là chuyến xuất khẩu nhân lực thứ 2 trên địa bàn huyện kể từ khi công ty đảm nhiệm hoạt động này vào tháng 11/2009. Điện Biên Đông là huyện có tiềm năng và cũng là địa bàn “trắng” về XKLĐ rất nhiều năm nay. Sau khi trao đổi và làm việc với Ban xuất khẩu lao động của huyện, chúng tôi xin vào 2 xã vùng sâu, xa nhất và hầu như 100% là người dân tộc thiểu số, đó là Pú Hồng và Phình Giàng. Sau hội nghị tư vấn về XKLĐ của 2 xã này, trong vòng 1 tháng đã có 63 lao động đăng ký. Qua xét tuyển, công ty chọn được 35 cháu đủ điều kiện về học nghề tại Hà Nội. Đến nay, chúng tôi đã làm thủ tục hoàn chỉnh cho 17 lao động sang nước ngoài làm việc”.

Theo ông Tuấn, trong đợt này, xã Pú Hồng có 12 lao động đăng ký, còn xã Phình Giàng có 10 người. Đặc biệt, xã Pú Hồng được cả công ty và lãnh đạo huyện đánh giá là “điểm sáng” về XKLĐ, khi chỉ trong vòng 2 năm đã có gần 50 lao động “xuất ngoại”. Nhiều người đã chuyển tiền về giúp gia đình trang trải nợ nần, mua trâu, bò và những đồ dùng thiết yếu trong gia đình.

Khát vọng đổi đời

Trong số những người đăng ký xuất ngoại đợt này, có không ít người là con em cán bộ xã, bản trong huyện. Nhưng có một điều khiến tôi thấy lạ là hầu như không ai được người thân đưa tiễn. Lý giải về vấn đề này, ông Ngô Hồng Long, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện bảo: “Nhà ai cũng nghèo, lại ở xa trung tâm huyện hàng chục km, đường sá khó khăn nên phải tự đi thôi”. Người nghèo lúc chia tay cũng mang đậm chất nghèo như thế đấy.

Nói về chuyện chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại này, Lầu A Của ở bản Sa Dung B, xã Sa Dung cho biết: “Mình đi làm để mang tiền về xoá nghèo cho gia đình nên dù biết là đi xa tới vài năm mới về nhưng ai cũng chỉ mang theo vài trăm ngàn để chi phí lặt vặt”. Thực ra, ở vùng đất có đến phân nửa số dân còn nghèo thì kiếm được số tiền như vậy đã là cố gắng lắm rồi. Lầu A Lọ, người cùng bản với Của cho hay: “ở nhà chỉ làm nương rẫy thôi, nhưg do có ít đất nên năm nào cũng bị thiếu đói 2-3 tháng. Vợ con mình ở nhà cũng gần hết ăn rồi, chỉ còn 3-4 bao thóc nữa thôi. Lúc đi, vợ mình đã động viên: Cứ đi xem gia đình mình có được sung sướng như người ta không”.

Và đôi điều trăn trở

Ông Ngô Hồng Long cho rằng: “Với thời gian 2 - 3 năm và mức đầu tư ban đầu chỉ vài chục triệu đồng thì hoạt động XKLĐ được đánh giá là mang lại hiệu quả cao nhất và bền vững nhất cho đồng bào nơi đây. Lao động đi xuất khẩu không chỉ có được nguồn thu cao, ổn định mà còn được đào tạo về tay nghề, nâng cao hiểu biết xã hội…”. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con tham gia vào hoạt động XKLĐ trên địa bàn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Long, từ năm 2009 đến nay, các đối tượng tham gia vận động, hướng dẫn bà con đi XKLĐ vẫn đang làm “chay”, chưa được hưởng nguồn kinh phí trợ cấp nào. Nhiều khi cán bộ vào xã, bản vận động bà con lại phải bỏ tiền túi ra nên chẳng mấy ai tích cực với hoạt động này nữa. Kêu lên trên rồi nhưng không biết mắc ở khâu nào chưa thấy hồi âm. 

Ông Lường Văn Dinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: “Mấy năm qua, hoạt động XKLĐ trong huyện không phát triển nhưng từ cuối năm 2009 đến nay thì số người đăng ký đi XKLĐ tăng quá nhanh nên nguồn vốn của ngân hàng không đáp ứng được, phải xin cấp trên cân đối, điều chuyển thêm để đáp ứng kịp thời nguyện vọng dân nghèo”. Liên quan tới vấn đề này, ông Vàng A Hờ, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, huyện đã phải ứng kinh phí chưa dùng đến để giải quyết cho những lao động thuộc diện xuất ngoại. Tuy nhiên, việc làm đó chỉ có giới hạn và không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

Vẫn biết cơ hội đổi đời từ xuất khẩu lao động đối với người dân nghèo ở Điện Biên Đông là rất lớn, nhưng nếu không có sự “vào cuộc” thực sự của các ban, ngành, nhất là lãnh đạo cấp xã, bản và ngân hàng thì dường như hy vọng đổi đời với người dân nơi đây vẫn chỉ là mong ước mà thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên