Người nghiện ma túy, ngáo đá gây án: Có lỗi từ công tác quản lý
VOV.VN - Tệ nạn ma túy vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ ngày càng khó kiểm soát.
Không chỉ nghiện các loại ma túy truyền thống như móc phin, cần sa, heroin, nhiều người, nhất là giới trẻ đang tìm đến ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện mới như một trào lưu, nó không chỉ hủy hoại sức khỏe, đe dọa tính mạng người nghiệm mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng, khó khăn cho lực lượng chức năng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
PV: Thưa ông, sau hàng loạt các vụ bắt cóc trẻ em, giết người do người nghiện ma túy, ngáo đá gây ra, dư luận đang đặt câu về công tác quản lý người nghiện hiện nay?
Ông Nguyễn Trọng Đàm:Theo tôi, một phần nguyên nhân là chúng ta quản lý người nghiện và giúp đỡ họ chưa được chặt chẽ, chưa được cụ thể và chưa hiệu quả.
Hiện nay, những người nghiện đang sống ở cộng đồng vẫn bị kỳ thị. Họ gặp khó khăn, không lối thoát, đó là chưa nói đến một số người nghiện luôn có tư tưởng và hành vi đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng. Vì chúng ta không nắm được nên khi có vụ việc đáng tiếc xảy lúc đó mới biết.
Vấn đề thứ hai đó là chiều hướng người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp đang tăng rất nhanh.
Một minh chứng rất rõ nét là: có những địa phương chiếm 70% những người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp và thậm chí họ sử dụng 2 đến 3 loại ma túy cùng một lúc.
Ma túy tổng hợp, ma túy đá tạo ra những ảo giác và từ ảo giác đó tạo ra những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Trước đây, những người nghiện ma túy - heroin dùng bơm kim tiêm, chúng ta lo đại dịch HIV đến bây giờ chuyển sử dụng ma túy tổng hợp nhiều vấn đề xã hội rất là bức xúc. Đặc biệt, những vụ giết người gây thương tích cho người thân có nguyên nhân từ sử dụng ma túy đá càng cảnh bảo cho chúng ta nguy cơ rất cao.
PV: Vậy chúng ta phải ứng xử với nhóm người có nguy cơ phạm tội cao này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Đàm:Ứng xử với ma túy đá này như thế nào cho đến bây giờ khoa học cả thế giới và trong nước, y học cũng chưa đưa ra được giải pháp nào hiệu quả trong hỗ trợ điều trị nghiện đối với người nghiện ma tuy đá.
Các nước bây giờ mới chỉ dừng lại ở giải pháp hỗ trợ về mặt tâm lý để hy vọng họ thay đổi hành vi không sử dụng ma túy tổng hợp nữa. Đó là cái chính chứ thuốc hay phác đồ điều trị cắt cơn, điều trị ổn định, điều trị lâu dài như heroin đối với ma túy đá là chưa có. Đó là cái rất khó khăn cho chúng ta, trong khi việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy tổng hợp gần đây chiếm tỉ lệ rất là cao trong các vụ việc triệt phá buôn bán ma túy nói chung.
PV: Có ý kiến cho rằng thực tế số người nghiện ma túy trong xã hội lớn hơn rất nhiều so với con số chúng ta thống kê được do số người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp đang gia tăng, vậy ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Hiện nay, chúng ta có khoảng 204.000 người nghiện. Đây chỉ là phần nổi còn phần chìm chúng ta không thể biết được. Và con số thực tế sẽ còn cao hơn. Đó là thực thế.
Hiện nay, những người nghiện vẫn trốn tránh cơ quan chức năng, họ không khai báo tự nguyện để nhận các dịch vụ hỗ trợ điều trị. Đặc biệt, có nhiều gia đình vẫn còn có tâm lý e ngại, không muốn cho bạn bè biết con em mình nghiện.
PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý để có thể giảm đến mức thấp nhất các vụ án, vụ việc đáng tiếc do người nghiện ma túy, ngáo đá gây ra?
Ông Nguyễn Trọng Đàm: Làm thế nào để chúng ta quản lý được việc sử dụng đối với họ mới là vấn đề. Chúng ta tập trung vào phòng ngừa, tuyên truyền, vận động, giải thích cho họ hiểu tác hại của ma túy đá để tránh xa nó mới giảm được nguy cơ.
Khi họ đã sử dụng, chúng ta phải kịp thời phát hiện để có giải pháp ngăn chặn những tác động xấu rất có nguy cơ xảy ra. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm thế nào để kiểm soát được địa bàn, kiểm soát được các tụ điểm và kiểm soát được tình trạng vận chuyển buôn bán ma túy tổng hợp này. Đấy mới là trách nhiệm của chúng ta, các cơ quan chức năng, cộng đồng và từng gia đình giúp họ tránh xa với hiểm họa ma túy.
Công tác phòng ngừa đối với tội phạm quan điểm của chúng ta là phải tập trung các lực lượng, giải pháp để đấu tranh và phòng ngừa, trong đó lấy phòng ngừa là chính, mà trong phòng ngừa, phòng ngừa xã hội là quan trọng. Trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống tội phạm đã xác định như vậy. Chúng ta phải phòng ngừa đồng bộ, tham gia tích cực, sát sao mới hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông./.