Người nông dân Khmer làm kinh tế giỏi, say mê làm từ thiện
VOV.VN - Ông Thạch Em ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn là người nhiệt tình trong công tác từ thiện.
Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh Trà Vinh. Theo đó, ngày càng có nhiều nhà nông vừa làm kinh tế giỏi, vừa tích cực tham gia các hoạt động trong cộng đồng. Những đóng góp của họ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển chung của địa phương. Ông Thạch Em ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè là một trong những điển hình như thế.
Đã từ lâu, ông Thạch Em rất đam mê đọc và sưu tầm những mẩu chuyện của Bác Hồ. Những mẩu chuyện của Bác đã thấm nhuần trong ông từ cách nghĩ đến hành động. Học Bác, ông tâm niệm, mỗi ngày trôi qua là một thử thách để phấn đấu làm thật nhiều việc tốt và tranh thủ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Ông Thạch Em với vườn chanh không hạt. (Ảnh Sa Oanh). |
Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, hơn 10 năm qua, ông Thạch Em luôn đau đáu trong lòng nỗi lo cho người nghèo, thương những mảnh đời cơ nhỡ.
Nói đi đôi với làm’, ông bắt đầu lập ra kế hoạch và đề xuất với cấp ủy, UBND xã Hòa Tân thành lập nhiều mô hình tương trợ trong cộng đồng và xông xáo vận động người dân cùng tham gia.
Dù rất bận rộn, nhà có gần chục công chanh không hạt và dừa sáp, làm dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế đám tiệc…nhưng ông Thạch Em vẫn dành thời gian cho công tác từ thiện, cho hội chữ thập đỏ. Bởi theo ông dù mất một ít thời gian, nhưng bù lại ông lại tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ở công việc này.
Ông Thạch Em tâm sự: “Trong công tác xã hội làm công tác từ thiện là quan trọng nhất đối với tôi. Nhiều hộ sống trong hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ mất khả năng lao động, neo đơn, bệnh tật…Với số tiền, gạo, phần giúp đỡ bà con không đáng là bao nhưng nó có thể giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn, vì vậy tôi phải tranh thủ thời gian làm cho thật tốt công tác này”.
Kể từ khi hình thành mô hình, hằng năm ông Thạch Em đã vận động người dân hiến tặng hơn 250 cây nhân đạo (mỗi cây tương ứng 100.000 đồng), số tiền thu được mỗi năm đã hỗ trợ từ 6 đến 10 trường hợp khó khăn, chủ yếu là những hộ có người bị bệnh, người già neo đơn, người bị ảnh hưởng chất độc Dioxin.
Riêng mô hình Hũ gạo tình thương hàng năm cũng thu được hàng tấn gạo để giúp những trường hợp khó khăn đột xuất và cung cấp 500kg gạo cho Bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa huyện Cầu Kè.
Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, ông Thạch Em lại bận rộn với các hoạt động chăm lo cho người nghèo. Để có được những phần quà giúp bà con, ông kiên trì đi vận động các mạnh thường quân cả trong lẫn ngoài tỉnh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ông đã vận động hơn 200 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng để giúp người nghèo giảm bớt khó khăn.
Những việc làm tưởng chừng như nhỏ bé, song lại vô cùng ý nghĩa, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó ngày càng có nhiều người tham gia hơn.
Bà Trần Thị Lan một trong những hộ tham gia mô hình cây nhân đạo cho biết: “Ở đây không chỉ mình tôi mà rất nhiều người góp cây nhân đạo để có số tiền chung lo cho an sinh xã hội, giúp các học sinh nghèo được đến trường”.
Ngoài những đóng góp trong công tác thiện nguyện, ông Thạch Em còn là người năng nổ trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, đặc biệt là người đi đầu thực hiện mô hình trồng dừa sáp xen chanh không hạt trên đất trồng lúa kém hiệu quả.
Để thực hình mô hình đạt hiệu quả, ông đã tìm đến Viện nghiên cứu Cây có dầu TP HCM và sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Trà Vinh để có cách chăm sóc, phòng trị bệnh đúng kỹ thuật. Và sau 3 năm triển khai, mô hình bắt đầu cho thu hoạch gần 100 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 60 triệu đồng/công.
Dù với lợi thế là người đi trước chanh của ông có giá cao nhưng ông vẫn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cây để các hộ khác làm theo. Bởi ông nghĩ rằng, khi sản xuất có hiệu quả sẽ giúp họ nâng cao thu nhập, có điều kiện tham gia công tác từ thiện hơn.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, năm 2010 Sở Khoa học - Công nghệ Trà Vinh cho triển khai mở rộng mô hình dừa sáp, chanh không hạt trên diện tích 20ha tại ấp Chông Nô II, xã Hòa Tân để nông dân học tập, nhân rộng.
Ông Thạch Em chia sẻ: “Bài học của Bác có thể áp dụng mọi lúc nơi. Suốt đời Bác chỉ nghĩ đến làm sao mọi người dân được ấm no, hạnh phúc. Từ đó, tôi nghĩ rằng giúp bà con mình có cách canh tác tốt, sản xuất hiệu quả và khi mọi người đều có kinh tế khá giả thì điều kiện chăm lo an sinh xã hội sẽ tốt hơn”.
Ông Lê Quốc Thuận, Phó Chủ tịch xã Hòa Tân nhận xét: “Trước hết trong tổ chức ông Thạch Em rất nhiệt tình, hòa đồng với anh em, còn ở địa phương rất được bà con nhân dân kính trọng. Nhất là bản thân cần kiệm, liêm chính và chí công vô tư đối với nhiệm vụ. Ông là một trong những người thực hiện tốt phong trào làm theo tấm gương của Bác”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, hiện nay dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng lúc nào ông Thạch Em cũng xông xáo, nhiệt huyết trong các hoạt động xã hội, phong trào phát triển kinh tế. Những việc làm của ông đã góp phần cùng với chính quyền mang lại niềm vui, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng./.