Người phụ nữ bị chồng cắt gân tay, chân bây giờ ra sao?
VOV.VN -Chị Dương Thị Hồng ở Bắc Giang, người bị chồng cắt gân, không đồng tình với kết luận tỷ lệ thương tật và vẫn bị chồng đe dọa “cho tàn phế hẳn”.
Vụ việc chị Dương Thị Hồng (35 tuổi, ở thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Việt Yên, Bắc Giang) bị chồng là Chu Quang Đạo (cùng địa chỉ) dùng dao chọc tiết lợn cắt gân tay, chân, chọc dao vào mắt, miệng hồi tháng 8/2015 đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ về mức độ tàn bạo khi gây án của người chồng mất nhân tính.
Đối tượng sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới, song vụ án đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra và pháp luật cần có biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ những người phụ nữ bị bạo hành từ chính người “đầu gối tay ấp” với mình.
Chị Dương Thị Hồng sau khi bị chồng cắt gân, đâm dao vào mắt (Ảnh: TL) |
Bị chồng đe dọa “cho tàn phế hẳn”
PV gặp lại chị Dương Thị Hồng khi chị tham gia một cuộc hội thảo về tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo hành tại Hà Nội. Nụ cười đã trở lại trên môi người phụ nữ “thấp bé nhẹ cân” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này. Tuy nhiên, vết tích của vụ bạo hành vẫn hằn sâu trên gương mặt với những vết sẹo lồi lõm; bước đi, cử chỉ vẫn khó khăn sau khi bị chồng cắt gân tay, chân.
Do nhan sắc không “bằng chị bằng em” nên gần 30 tuổi, chị Hồng được mai mối cho đối tượng Chu Quang Đạo, vốn đã có một đời vợ, đi tù về và hơn chị 15 tuổi. Đạo có nghề chạy công nông, nhưng sau khi hai vợ chồng sinh được 2 cô con gái, mâu thuẫn gia đình trở nên gay gắt khi Đạo sa vào cờ bạc, đánh đập vợ và đuổi chị Hồng về nhà mẹ đẻ nhiều lần.
Chị Hồng kể, có lần bị Đạo túm tóc đập đầu xuống nền nhà và chửi bới, đánh cả chị gái của chị Hồng khiến chị này phải khâu 6 mũi. Do không chịu được thói vũ phu của chồng, chị Hồng làm đơn ly dị. Được tòa gọi lên giải quyết, Đạo túm tóc đánh vợ ngay tại sân tòa. Đỉnh điểm là trưa 3/8, Đạo chặn vợ dọc đường, ý đồ dùng dao chọc tiết lợn cắt lưỡi, chọc mù mắt vợ. Bị vợ chống cự và người dân phát hiện, Đạo đã đâm liên tiếp vào mặt vợ, cắt gân tay, chân chị Hồng và bỏ trốn.
Sau khi được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Giang, với 7 vết thương trên cơ thể, chị Hồng được xác định thương tích 25%. Cách đây khoảng 1 tháng, chị được gọi lên đối chất cùng chồng, lấy lời khai thì bị Đạo hằn học đe dọa “về tao cho mày tàn phế hẳn” và đòi 50 triệu đồng khiến người phụ nữ này rất lo lắng.
“Là người phụ nữ, ai cũng muốn lấy chồng, sinh con. Thế nhưng với người chồng như anh Đạo, tôi không chịu được nên nhất quyết phải ly hôn và mong pháp luật xử lý nghiêm. Tôi không đồng tình với kết luận thương tích 25%. Theo luật sư nghiên cứu hồ sơ nói phải là 50%” – chị Hồng nói.
Nạn nhân của vụ bạo lực này cũng bày tỏ lo lắng cho tính mạng của mình, vì nhà chồng cách nhà mẹ đẻ (nơi chị Hồng đang ở) chỉ vài chục mét. Sau này khi đối tượng trở về có thể sẽ không để cho chị được yên. Hiện chị Hồng vẫn phải đi làm để nuôi 2 con nhỏ 6 tuổi và 3 tuổi, là con chung với Đạo.
Kẻ cắt gân chân, tay vợ ra đầu thú sau thời gian trốn ở nhà bạn tù
Kiến nghị xem xét đánh giá lại tỷ lệ thương tật
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, thuộc đoàn luật sư Bắc Giang, người được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) giới thiệu trợ giúp pháp lý cho chị Dương Thị Hồng cho biết, đến thời điểm hiện tại, chị Hồng chưa nhận được bản cáo trạng, hay kết luận đầy đủ về bản chứng nhận thương tật do Sở Y tế Bắc Giang ban hành.
Theo đánh giá của luật sư Tú, vấn đề này làm giảm khả năng được tiếp cận quyền và lợi ích hợp pháp nạn nhân; khả năng tiếp cận công bằng của nạn nhân được chính cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ lại không được đầy đủ.
Luật sư Nguyễn Văn Tú khẳng định: Là người bị hại, chị Dương Thị Hồng có quyền đề nghị cơ quan pháp luật kiến nghị về tội danh, cũng như về hình phạt đối với người gây bạo hành cho mình, cụ thể ở đây là anh Đạo, chồng chị. Chị Hồng cũng được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với những khoản chi phí đã bỏ ra, tổn thất về mặt tinh thần cũng như những ngày tháng không thể lao động được.
“Tuy nhiên, việc tiếp cận công lý của chị Dương Thị Hồng rất hạn chế, có thể nói nạn nhân chưa được tiếp cận gì” – luật sư Tú chia sẻ và ông cũng khẳng định sẽ kiến nghị xem xét lại đánh giá tỷ lệ thương tật đối với nạn nhân./.