Người Vân Kiều tự hào 65 năm mang họ Bác Hồ
VOV.VN - Năm 1957, Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Bình. Người Vân Kiều - Pa Cô ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã cử những người có uy tín lặn lội từ rừng núi xa xôi về để gặp Bác Hồ, xin cho người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ của Bác.
Trước kia, người Vân Kiều - Pa Cô sống biệt lập nơi rừng hoang vắng, phong tục, lối sống còn lạc hậu. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, bà con đã lập làng, lập bản, dần hòa nhập với cộng đồng.
Ông Hồ Thạch, 62 tuổi, ở bản Cẩm Ly, xã miền núi Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được bà con trong bản xem là tấm gương tiên phong về vượt khó, làm giàu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, suy nghĩ của ông Hồ Thạch là người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác không cam chịu đói nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Thạch khăn gói về miền xuôi để học hỏi làm kinh tế. Từ 2 bàn tay trắng, bây giờ ông Hồ Thạch đã có 20 ha rừng trồng, khai thác theo kiểu cuốn chiếu cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm, 1 mô hình gia trại nuôi lợn, nuôi vịt kết hợp ao cá mang lại thu nhập hàng ngày.
“Tôi cũng đi học hỏi kinh nghiệm từ các anh em ở đồng bằng, thấy người ta làm ăn hiệu quả thì mình học hỏi theo. Tôi là một người đồng bào dân tộc Vân Kiều được vinh dự mang họ Hồ của Bác. Để xứng đáng với điều đó thì phải tin theo Đảng, Nhà nước, phải chịu khó chịu khổ để làm ăn để đưa lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, bà con, để xứng đáng mang họ Hồ của Bác”, ông Thạch bày tỏ.
Bà Hồ Thị Thoi, ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng là tấm gương điển hình của người phụ nữ Vân Kiều. Bà là người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các Dân tộc thiểu số hồi năm 2019.
Sinh ra và lớn lên tại bản La Trọng, xã vùng biên Trọng Hóa nghèo khó, tuổi thơ cơ cực đã trui rèn người phụ nữ Vân Kiều này thêm nghị lực. Tham gia đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, bà Thoi đã đi hết 18 bản trong bàn xã, đến tận những hộ ở nơi khó khăn nhất để vận động, hướng dẫn bà con cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Bà Hồ Thị Thoi cũng là người tiên phong nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, nhưng trên hết, vừa làm bà vừa vận động các hộ gia đình làm theo mình.
“Được mang họ Hồ là niềm vinh dự. Nhắc đến họ Hồ là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó bản thân cũng như bà con đồng bào trên địa bàn luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, học hành đầy đủ. Bản thân tôi được bà con luôn ủng hộ, tin tưởng để cố gắng trong chỉ đạo, lãnh đạo làm thế nào đó để đưa đời sống bà con nhân dân từng bước được nâng lên”, bà Hồ Thị Thoi nói.
Tháng 6 năm nay là tròn 65 năm người Vân Kiều được mang họ Hồ của Bác. Đồng bào Vân Kiều hôm nay không còn sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy.
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, trải qua 65 năm bà con Vân Kiều được mang họ Hồ của bác, người dân nơi đây luôn đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Đảng bộ huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền để bà con đồng bào biết rằng mình rất vinh dự được mang họ Hồ. Từ đó nâng cao niềm vinh dự và nỗ lực càng phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo làm thay đổi bộ mặt quê hương của mình, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lê Vĩnh Thế cho hay.
Tỉnh Quảng Bình có hơn 27.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, hơn 2/3 là đồng bào Vân Kiều. Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đang xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trồng rừng gỗ lớn, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng.
Tỉnh Quảng Bình cũng tạo các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử phù hợp với tiềm năng của từng địa phương miền núi, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 3-4%.
“Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp của Đảng và nhà nước ta, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch và phát triển giữa các vùng trong tỉnh và giữa các dân tộc”, ông Vũ Đại Thắng thông tin thêm./.