Người Việt chi 3 tỷ USD/năm cho y tế, giáo dục ở nước ngoài

(VOV) -Con số này không mới nhưng được ông Lê Đăng Doanh dẫn chứng để nói về những bất ổn của nền y tế, giáo dục trong nước.

“Người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, học tập ngày một tăng, mỗi năm họ chi khoảng 3 tỷ USD cho hoạt động này” - Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí” diễn ra mới đây, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã dẫn ra số liệu này.

Theo ông Doanh, Nhà nước đặt mục tiêu "không ngừng nâng cao mức bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu cho nhân dân” được thể hiện trongi các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác xã hội hóa giáo dục, y tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, đó là những mục tiêu rất cao so với tình hình kinh tế của Việt Nam và không dễ thực hiện. Thuật ngữ “bảo đảm” là nấc thang cao nhất trong các chế đội phúc lợi xã hội mà chỉ những nước tiên tiến nhất mới thực hiện được. “Với tình hình chi tiêu như hiện nay thì sao chúng ta có thể đạt được mức bảo đảm”- TS Doanh phân vân.

Về vấn đề xã hội hóa các dịch vụ y tế, giáo dục, hưu trí, theo TS Doanh, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật về vấn đề xã hội hóa. Chúng ta đã có Nghị định 69/2008/N Đ-CP ngày 30/5/2008 về "Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”. Tuy nhiên, đây không phải là khung pháp lý cho vấn đề xã hội hóa. Với kinh nghiệm hiện nay thì càng xã hội hóa người dân càng thấy phải móc túi trả tiền nhiều hơn. Thực tế, có rất nhiều lệch lạc, lạm dụng trong việc xã hội hóa, đan xen giữa công và tư trong y tế, giáo dục, lợi dụng nhà đất, danh nghĩa của bệnh viện, nhà trường công để thu lợi tư.

Một thực tế nữa là vị thế pháp lý của bảo hiểm y tế rất thấp kém trong mối quan hệ giữa bác sĩ – bệnh viện – bảo hiểm y tế và người dân. “Nhiều bác sĩ trong các bệnh viện lợi dụng, “phịa” ra một đơn thuốc đắt tiền trong bảo hiểm để đưa cho bệnh nhân ký mà cơ quan bảo hiểm không biết phải xử lý thế nào.

Cách quản lý hiện nay của chúng ta là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ví dụ, giáo dục đưa ra qui định, quản lý rồi lại tự đánh giá hiệu quả hoạt động của mình. TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng: Ở Mỹ, họ có y sĩ đoàn. Nếu một năm, một bác sĩ không tham gia đào tạo chuyên môn thì sẽ bị loại. Bác sĩ được tự chủ về hoạt động chuyên môn, cơ quan quản lý không phải can thiệp quá sâu. Hướng sửa đổi quan trọng nhất là Nhà nước của chúng ta cũng nên tiến đến không can thiệp quản lý quá cụ thể.

Ông Doanh nêu các mối ràng buộc trong công tác quản lý Nhà nước nhưng lại không được thực hiện đến nơi đến chốn. Cụ thể, muốn y tế đáp ứng yêu cầu thì phải khuyến khích tập thể dục trong toàn dân. Thế nhưng, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch lại chỉ tập trung vào thể thao thành tích cao. “Các công ty của Nhật, mỗi sáng họ bắt công nhân tập thể dục không phải vì họ rảnh việc mà để giảm chi phí y tế. Còn ở Mỹ, người ta đo vòng bụng để tính tiền bảo hiểm. Những người bụng to sẽ phải nộp nhiều tiền bảo hiểm hơn. Còn với Việt Nam, tình hình chưa yên vì người dân vẫn còn đưa con cái, người thân ra nước ngoài học tập, chữa bệnh. Ngày nay, tình hình kinh tế-xã hội, cơ cấu hệ thống dân số đã phát triển hơn, Nhà nước phải tính đến vấn đề liên ngành” – ông Doanh nói.

Theo khảo sát của Ths Nguyễn Thị Kim Dung và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nhà nước giữ vai trò là nhà tài trợ chủ yếu cho giáo dục, năm 2008, khoản đầu tư này chiếm khoảng 78% tổng chi cho giáo dục của toàn xã hội và chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Tổng chi cho y tế có xu hướng tăng dần từ 5,2% GDP (năm 2000) lên 6,6% GDP (năm 2010). Tỷ trọng tài chính công trong tổng chi cho y tế tăng từ 27,2% (năm 2005) lên 36,6^ (năm 2006) và 43m3% năm 2009. Tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế tăng, chiếm khoảng 60% dân số (năm 2010).

Nhà nước ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm xã ội để bảo tồn và tăng trưởng quỹ. Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH không bị phá sản. Nhà nước miễn thuế cho lương hưu, tiền trợ cấp BHXH, tiền sinh lời từ các đầu tư từ quỹ BHXH…

Những hạn chế được chỉ ra là: chưa thực hiện đúng vai trò của Nhà nước, có sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan Nhà nước; Thiếu hụt nguồn nhân lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực này; Yếu kém trong theo dõi, giám sát, đánh giá của Nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, đào tạo.

Trong vai trò của nhà tài trợ, những hạn chế này được bộc lộ là: Hiệu quả sử dụng các nguồn tiền từ ngân sách cho giáo dục, y tế còn thấp; chưa huy động được sự tham gia tích cực của khu vực ngoài nhà nước; cách thức tài trợ còn chưa hợp lý; yếu kém trong đánh giá hiệu quả tài trợ của nhà nước cho giáo dục, y tế, hưu trí. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ được cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu; Một số loại hình dịch vụ công thiết yếu còn chưa được cung cấp đủ về số lượng.

Thực tế, đúng là hiệu quả sử dụng các nguồn vốn của chúng ta đang có vấn đề. Suốt những năm qua, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất nóng bỏng được đưa ra tại các diễn đàn lớn, nhỏ để thảo luận. "Mới đây, Bộ trưởng Y tế vào thăm Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bệnh nhân chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng này, không được trốn tránh. Chính phủ chi nhiều cho y tế nhưng hiệu quả đầu tư đến đâu, tiền "bay" đi đâu, có đến được với người bệnh hay không? Thực tế, nhiều thiết bị y tế đắt tiền được mua về nhưng đắp chiếu, đầu tư cho bệnh viện huyện nhưng chẳng ai đến khám chữa bệnh"- ông Doanh thẳng thắn nêu./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên