Nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu
Nếu phối hợp chặt chẽ, các trường ĐH, CĐ sẽ biết được doanh nghiệp cần lao động như thế nào để có hướng đào tạo phù hợp.
- Đối phó với tội phạm công nghệ cao
- Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT
- Cạnh tranh lành mạnh có vai trò quyết định
Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT)” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010. Giới CNTT-TT Việt Nam thấy như “mở cờ trong bụng" vì một lĩnh vực quan trọng của quốc gia chính thức được ghi nhận với những mục tiêu cụ thể.
Một trong những mục tiêu đặt ra được nhiều người quan tâm là đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có khoảng 1 triệu cán bộ, kỹ sư, nhân viên làm việc trong lĩnh vực CNTT đạt trình độ quốc tế, có thể làm việc ở trong nước và tiếp cận được những tiến bộ tiến tiến nhất về khoa học kỹ thuật ở trên thế giới; phấn đấu phải có 80% sinh viên (SV) CNTT tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực CNTT |
Mục tiêu đặt ra đã rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp viễn thông cho rằng, đây là vấn đề xa vời, khó đạt được nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ, ngành và doanh nghiệp.
Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự hiểu nhau
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực CNTT diễn ra chiều 20/4, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá: Hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 số SV ngành CNTT tốt nghiệp có thể đáp ứng được công việc đề ra. Khả năng tư duy, làm việc độc lập, theo nhóm của các bạn trẻ rất kém. Gần như SV chỉ học những kiến thức trong sách vở còn chủ động thực hành, giải quyết một vấn đề còn hạn chế.
Đặc thù của lĩnh vực CNTT là phải đọc, hiểu những kỹ năng, phần mềm và các dự án với đối tác nước ngoài bằng ngoại ngữ nhưng trình độ của SV lại chỉ có hạn nên nhiều khi không đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Lợi cho biết: Mặc dù thiếu nhân lực CNTT nhưng nhiều doanh nghiệp lại ít tuyển dụng những SV tốt nghiệp ngành CNTT ở các trường ĐH mà chỉ tuyển chọn những nhân viên, chuyên viên có chuyên môn về các lĩnh vực như: Hải quan, thương mại, giao dịch điện tử… Bởi vì đây là những người hiểu rõ đặc thù công việc của doanh nghiệp. Nhằm phát triển nguồn nhân lực này, doanh nghiệp phải tổ chức những khóa đào tạo về CNTT ngắn hoặc dài hạn cho họ.
Mỗi lần tổ chức những khóa học, doanh nghiệp thường mời những cán bộ, chuyên viên đang làm việc, học tập tại các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu chuyên về lĩnh vực mà doanh nghiệp đang thực hiện. Những khóa đào tạo như thế này thường thu hút rất nhiều học viên tham gia.
Lý giải về việc doanh nghiệp không mời những giảng viên chuyên ngành CNTT ở các trường ĐH, CĐ đến dạy, ông Lê Văn Lợi cho rằng, những kiến thức mà giảng viên dạy chỉ mang tính chuyên môn về CNTT chứ không phù hợp với đặc thù công việc của họ.
Từ nay đến năm 2015, Việt Nam cần khoảng 550.00 lao động CNTT. Trong đó có 410.000 là lao động có trình độ chuyên môn, còn lại là lao động đã làm việc về các ngành, nghề khác nhưng được đào tạo thêm về CNTT |
Thông qua câu chuyện trên, vấn đề chúng ta nhận thấy là hiện nay, các trường ĐH, CĐ còn chưa nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp nên chưa có chiến lược đào tạo phù hợp, chất lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên chính Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), để giải quyết vấn đề trên, các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo và tuyển dụng.
Theo đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng nguồn nhân lực CNTT và đưa ra những yêu cầu về chương trình giảng dạy phù hợp với các cơ sở giáo dục. Có như vậy, khi SV tốt nghiệp ra trường là có thể làm việc được ngay, hạn chế tình trạng SV không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hoặc tốt nghiệp xong lại phải làm trái ngành nghề.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, ở nhiều nước có nền công nghiệp CNTT phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, hàng năm họ đều có thống kê và mạng lưới quy hoạch nguồn nhân lực CNTT. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có quy hoạch về nguồn nhân lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục thì chắc chắn bài toán về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao sẽ được giải quyết.
Đổi mới nhiều hơn từ các trường ĐH, CĐ
Để đào tạo được nguồn nhân lực CNTT có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Việt Nam cần có những cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng, ngang tầm với thế giới.
Theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2010, cả nước hiện có 271 cơ sở đào tạo về CNTT với quy mô đào tạo 50.000 chỉ tiêu trong năm học 2008-2009 và 56.000 chỉ tiêu trong năm học 2009-2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), rất ít các trường có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Nhiều trường thiếu giảng viên nên lấy giáo viên dạy Toán học, Vật lý sang giảng dạy CNTT, phương pháp dạy học còn rời rạc, manh mún, lạc hậu.
Ông Nguyễn Ngọc Bình góp ý kiến, các trường ĐH, CĐ cần có sự phối hợp với trường ĐH nổi tiếng trên thế giới trong việc đào tạo nguồn lực CNTT như cử cán bộ, giảng viên và SV đi học tập tại nước ngoài, sau đó phải trở về nước để dạy học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần có sự sàng lọc, kiểm định chất lượng giáo trình, phương pháp giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nước ngoài trước khi áp dụng phù hợp với Việt Nam.
Còn theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT, hiện nay số lượng người học CNTT-TT đang giảm dần từ năm 2008, mỗi năm giảm 10-15%. Khảo sát ở 10.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, sức hút vào học ngành nghề này giảm, như năm 2009 là 9% và 2010 còn 6,5%. Với chu kỳ đào tạo 4 năm, ông Tùng cho rằng, đến năm 2014, thị trường CNTT-TT sẽ nhận thấy rõ sự thiếu hụt nhân lực.
Ông Lê Trường Tùng đề xuất giải pháp thu hút SV, người dân theo đuổi ngành CNTT là cần có ưu đãi về tài chính như hỗ trợ một phần học phí cho người học; có chế độ, chính sách và sự đãi ngộ thích đáng đối với lao động làm việc trong ngành nghề này. Ngoài ra, Nhà nước nên rà soát và gỡ bỏ nhanh các rào cản nhằm tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, có chính sách thuế ưu đãi, vay vốn kích cầu cho nhà đầu tư đào tạo CNTT…
Thống kê trên thế giới, năm 2010 thiếu khoảng 3 triệu lao động có trình độ ĐH về CNTT và đến năm 2020, con số này dự kiến là 10 triệu người. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia thị trường lao động CNTT quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trần Đức Lai, nếu các cơ sở giáo dục đào tạo về CNTT được đầu tư nhiều hơn, không ngừng cải cách, nâng cao chất lượng giảng dạy thì chúng ta sẽ có đủ được nguồn nhân lực CNTT đáp ứng được nhu cầu trong nước và thế giới./.