Nguồn nhân lực Một sức khoẻ - cần quan tâm hơn nữa
VOV.VN - Ngày 3/11, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Một sức khỏe thế giới và kỷ niệm 10 năm thành lập, Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia cấp cao về định hướng phát triển nguồn nhân lực Một sức khỏe.
Chương trình được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu ở nhiều tỉnh thành, với sự tham gia của cố vấn cao cấp PGS. TS. Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành.
Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) được thành lập từ năm 2011. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, một trong những sứ mệnh xuyên suốt mà Dự án luôn theo đuổi là các chương trình và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực Một sức khỏe.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Trần Anh Đào – Chủ tịch mạng lưới VOHUN cho biết: “Buổi tọa đàm là sự kiện đánh dấu kỷ niệm 10 năm ra đời và phát triển của VOHUN. Đây là dịp chúng ta cùng nhìn lại việc đào tạo và nâng cao năng lực để giải quyết các mối đe dọa chung tới con người, động vật và môi trường. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một căn bệnh truyền nhiễm xuất phát từ mối tương tác giữa con người-động vật-hệ sinh thái, việc sử dụng cách tiếp cận Một sức khỏe càng trở nên cấp thiết hơn để bảo vệ sức khỏe của toàn cầu. Qua buổi tọa đàm này, chúng tôi hy vọng cung cấp thông tin, kiến thức cũng như giúp mọi người giải đáp được các băn khoăn về nguồn nhân lực Một sức khỏe tại Việt Nam”.
PGS. TS. Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ về việc sử dụng nguồn nhân lực y tế dự phòng (YTDP) tại Việt Nam. Đặc biệt, PGS. TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm tới lực lượng y tế cơ sở. Bởi “trong thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm tới y tế cơ sở mà lực lượng cơ sở lại vô cùng quan trọng. 4 đợt dịch vừa qua, đặc biệt ở TP.HCM, chúng ta vỡ trận về YTDP, nên chúng ta vỡ trận về vấn đề điều trị, từ đó là vỡ trận về y tế cơ sở, khi không tiếp cận được với bệnh nhân, bệnh nhân ở nhà không có người tư vấn, bệnh nhân nhẹ chuyển thành bệnh nhân nặng, thiếu oxy…. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực, trang thiết bị của các khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở tuyến tỉnh cũng cần phải được hết sức coi trọng”.
Ngoài ra, PGS. TS. Trần Đắc Phu còn nêu lên một số tồn tại, khó khăn trong lực lượng YTDP Việt Nam hiện nay. Đó là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên môn bởi hầu hết bác sỹ hệ YTDP hiện nay đều từ hệ điều trị chuyển sang, chất lượng chưa cao; Tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo cán bộ YTDP còn thiếu và lạc hậu; Công tác YTDP hiện nay chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chưa phù hợp với mô hình quốc tế cũng như chưa đáp ứng với nhiệm vụ chuyên môn….
Cũng trong buổi tọa đàm, đại diện Cục Thú ý cũng đã có những chia sẻ về hệ thống nguồn nhân lực Một sức khỏe hiện nay, về các chương trình kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người; về sự phối hợp giữa y tế, thú y trong những năm vừa qua. Đặc biệt từ năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát Cục Thú y đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn xét nghiệm SARS-CoV-2 và đã được cấp chứng nhận.
“Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị, các phòng xét nghiệm của Cục Thú ý đã xét nghiệm cho gần 1 triệu mẫu SARS-CoV-2 trên người. Đây là những đóng góp của thú y đối với y tế. Trong tương lai nếu có yêu cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong việc xét nghiệm Covid-19”, ThS. Phạm Thành Long, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.
Dưới sự chủ trì và điều phối của văn phòng VOHUN – Mạng lưới các trường Đại học chuyên ngành thú y và y tế trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo Một sức khỏe, buổi tọa đàm đã thảo luận về thực trạng và định hướng cũng như phác thảo nội dung khuyến nghị chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực Một sức khỏe tại Việt Nam./.