Nguy cơ dịch cúm gia cầm dịp Tết nguyên đán Bính Thân rất cao
VOV.VN - Báo cáo của Cục Thú y cho biết, cả nước hiện còn 27 ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc tại 6 tỉnh, 5 ổ dịch cúm A H5N6 xảy ra tại 4 tỉnh.
“Các địa phương không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch cúm gia cầm trong thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán” là yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tại cuộc họp tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, diễn ra chiều nay (27/1) tại Hà Nội.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo tăng cường phòng chống cúm gia cầm dịp Tết. |
Báo cáo của Cục Thú y cho biết, cả nước hiện còn 27 ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc tại 6 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Đắc Lắc, Cao Bằng và Bắc Kạn. Về dịch cúm gia cầm, đến nay, hiện còn 5 ổ dịch cúm A H5N6 xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn chưa qua 21 ngày, với số lượng gia cầm mắc bệnh là 3.544 con và tiến hành tiêu hủy 6.720 con.
Nguyên nhân là do vi rút H5N1 và H5N6 lưu hành rộng khắp nơi và lây lan thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm, chưa kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm; công tác tiêm phòng vắc xin không triệt để…
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Nguy cơ dịch cúm gia cầm còn rất cao. Qua kiểm tra giám sát, đàn gia cầm nhất là đàn vịt, tỷ lệ mang mầm bệnh đặc biệt ngoài H5N1 ra thì H5N6 cũng rất cao. Mặc dù qua kiểm soát chúng ta chưa phát hiện được vi rút H7N9 có mặt ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và gây tử vong cho người cũng rất cao. Bệnh lở mồm long móng, tuýp A phân bố trên diện rộng, cho nên việc chiến lược tiêm phòng vắc xin của chúng ta không chỉ dùng tuýp Ô mà còn phải dùng vắc xin nhị giá gồm tuýp O và tuýp A".
Năm 2016: Hai địa phương đầu tiên ghi nhận dịch cúm gia cầm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, thời điểm trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán và trước diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm là rất cao. Do đó, các địa phương cần tăng cường chủ động công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng. Mục tiêu của năm 2016 là khống chế không để xảy ra dịch bệnh gia súc gia cầm trên diện rộng và xử lý kịp thời khi phát hiện dịch.
"Sau 28 tháng, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện trở lại, cúm A H5N6 phát triển mạnh hơn cả H5N1, nguy cơ của vi rút H7N9 từ phía Trung Quốc là rất lớn vì vậy không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch, nhất là các tỉnh giáp biên giới. Trong thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán cần tăng cường các biện pháp phòng chống không để dịch xảy ra. Trọng tâm phòng chống dịch là khi phát hiện có dịch phải tập trung khoanh vùng dập dịch và xử lý ngay từ ổ dịch kết hợp việc giám sát chủ động việc lưu hành của vi rút", Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.
Năm 2015, dịch cúm gia cầm giảm cả về diện tích và mức độ dịch so với năm 2014, trong đó số ổ dịch giảm gấp 4 lần và các tỉnh, thành phố xuất hiện dịch giảm 2 lần rưỡi; số lượng gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy giảm hơn 2 lần./.