Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ chim yến
(VOV)-Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện virus cúm A/H5N1 ở chim yến, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này sang người.
Trước thực trạng hàng nghìn con chim yến tại tỉnh Ninh Thuận chết vì nhiễm virus cúm A/H5N1, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này sang người là rất lớn.
Sau khi có hiện tượng chim yến chết hàng loạt, cơ quan thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tại tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu chim yến, phân và tổ yến để xét nghiệm, kết quả cả 3 lần đều dương tính với cúm A/H5N1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện virus cúm A/H5N1 trên chim yến. Loài chim này không thể bắt, khoanh vùng như đối với gia cầm. Biện pháp tốt nhất là ngành thú y tăng cường giám sát, nơi nào có chim yến chết thì phải phun hóa chất khử trùng môi trường ngay. Với những người nuôi chim yến lại càng cần đề phòng, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus cúm A/H5N1 như cần đeo găng tay, khẩu trang...
Giáo sư Trịnh Quân Huấn cho rằng, trong thời điểm hiện nay người dân vẫn có thể sử dụng các sản phẩm chế biến từ chim yến nhưng cần chú ý nguồn gốc và hạn sử dụng. Tốt nhất, chỉ sử dụng sản phẩm chế biến từ chim yến đã được xử lý qua nhiệt độ sôi thật kỹ.
Còn theo Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong vòng 8 năm trở lại đây, dịch cúm A/H5N1 đã lưu hành tại Việt Nam, hầu như năm nào cũng phát hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm. Mối nguy hiểm lớn nhất của dịch cúm này là đàn thủy cầm mang virus nhưng lại không có biểu hiện bệnh; vì vậy bệnh dịch rất dễ lây lan sang người.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà cho biết: “Có nguy cơ người nhiễm cúm AH5N1, vì dịch vẫn tồn tại ở đàn gia cầm. Hiện nay, tính chất lây truyền virus từ người sang người vẫn đang được nghiên cứu. Nguy cơ lây virus này từ gia cầm sang người cao nhất là tiếp xúc qua chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, đặc biệt ăn tiết canh”.
Cúm A/H5N1 là loại cúm nguy hiểm, theo các thống kê có khoảng 50% bệnh nhân nhiễm loại cúm này tử vong. Gần đây nhất, một cháu bé 4 tuổi ở Đồng Tháp ngồi xem bà ngoại làm thịt gà dẫn đến nhiễm bệnh và tử vong. Hiện nay, cúm A/H5N1 chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, trường hợp bị sốt cao, khó thở cần phải đến khám tại cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.