Nguy cơ tái nghèo hiện hữu ở vùng lũ Lào Cai
VOV.VN - Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi khiến nhiều hộ gia đình ở Lào Cai có nguy cơ tái nghèo.
Từ một hộ khá giả của thôn, sở hữu căn nhà cấp 4 gắn biển “Nhà sạch, vườn đẹp”, nhưng mưa lũ, sạt lở hồi tháng 9 vừa qua đã khiến gia đình anh Tẩn Láo Tả, ở thôn Y Giang, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phải sinh sống qua ngày trong lán tạm. Dù đã có các nguồn lực hỗ trợ của địa phương và nhà hảo tâm, song trong một gia đình 3 thế hệ với 9 thành viên chung sống, vợ lại vừa mới sinh con nhỏ, gánh nặng đang đè cả lên vai anh Tả.
“Trước mắt tôi cũng chỉ biết cố gắng làm nhà để có chỗ tránh nắng, tránh mưa cho gia đình sau đó mới tính đến khắc phục hoa màu, diện tích nào khắc phục được thì khắc phục, còn không khắc phục được cũng đành chịu thôi”, anh Tẩn Láo Tả nói.
Cách hộ anh Tả không xa, gia đình anh Sùng A Sáng, ở thôn Phù Lao Chải dù may mắn hơn không bị mất nhà, nhưng toàn bộ phần ruộng của gia đình đã bị mưa lũ tàn phá không cách nào cải tạo được.
“Những năm trước lũ ít nhưng năm nay bị nặng nhất, đi hết sạch luôn, giờ ruộng chỉ toàn cát đá, không biết làm gì nữa, sang năm không làm được để ăn nữa”, anh Sùng A Sáng chia sẻ.
Qua rà soát của chính quyền, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng tới gần 300 hộ dân trên địa bàn xã A Mú Sung, đặc biệt, có 23 hộ bị mất nhà hoàn toàn và 30 ha đất lúa bị lũ quét tàn phá không thể khôi phục. Theo kế hoạch năm 2024, toàn xã phấn đấu giảm 60 hộ nghèo nhưng đến nay mới chỉ đạt 50%, số còn lại đa phần chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Có những hộ trung bình, thậm chí khá giả chỉ sau một trận mưa lũ trở thành hộ cận nghèo.
Theo ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đối với các hộ hư hỏng, mất nhà cửa vẫn có cơ hội sửa chữa, xây mới nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhưng các hộ mất đất lúa do lũ quét đang rất khó khăn vì địa phương không còn nguồn đất nào khác để bố trí, ngay cả phương án làm ruộng bậc thang trên các sườn đồi cũng không khả thi.
“Ruộng bậc thang thì vướng, hệ thống thủy lợi đang hỏng rất nặng chưa khắc phục được. Đối với các hộ này, tạm thời đầu xuân năm mới chúng tôi vẫn triển khai để bà con tạm thời chuyển sang trồng ngô, những khu vực đó vẫn có thể trồng ngô 2 vụ, từ trồng ngô rồi tiền mua gạo, cũng chỉ có giải pháp như thế”.
Giáp ranh với A Mú Sung, xã Trịnh Tường trong năm nay khả năng cũng sẽ có 10 hộ tái nghèo và 16 hộ tái cận nghèo, chủ yếu do ảnh hưởng thiên tai. Đặc biệt, cánh đồng lớn nhất của xã rộng 60 ha dọc suối Tùng Chỉn sau mưa lũ chỉ còn trơ đá, không thể khôi phục.
Theo ông Lý Văn Sìn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, chính quyền sở tại đang tính toán giải pháp tình thế đối với các hộ dân mất ruộng, đó là đẩy mạnh các lớp đào tạo nghề ngắn hạn gắn với nông lâm nghiệp: “Ví dụ bây giờ không thể trồng lúa nữa thì chuyển sang trồng cây ngắn ngày và cũng là cây chủ lực như chuối, hoặc cây dài ngày như quế mỡ trên những phần đất đồi để thay thế cho lúa”.
Hết năm 2023, toàn huyện Bát Xát còn gần 9.000 hộ nghèo, cận nghèo. Theo kế hoạch, năm 2024, Bát Xát phấn đấu giảm 7,2% số hộ nghèo, tuy nhiên, đến nay mới đạt 4,69%. Riêng số hộ cận nghèo tăng hơn 100 hộ so với năm trước. Sau mưa lũ, khó khăn chồng chất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát, trước mắt địa phương đang tập trung khắc phục nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, đặc biệt là 130 hộ mất nhà hoàn toàn, phấn đấu trước 31/12 phải xong. Ngoài ra, đẩy mạnh khôi phục các diện tích đất sản xuất. Tuy nhiên, có tới 200 ha đất lúa trong diện không thể khắc phục đang là vấn đề nan giải, trăn trở của địa phương: “Lượng đất đá hiện nay quá lớn nên huyện đang đề nghị tỉnh và các sở, ban, ngành hỗ trợ để sớm khắc phục cho nhân dân”.