Nguy cơ thiếu nước sản xuất do điều tiết nước sông Ba

9 công trình thuỷ điện trên sông Ba trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân dân vùng hạ lưu trong cả màu lũ và mùa khô.

Dọc sông Ba, có đến 9 công trình thuỷ điện. Mùa lũ, chuyện xả lũ trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân vùng hạ lưu. Mùa khô, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất  lại là nỗi lo thường trực của các địa phương và nông dân.

Mới đầu tháng 4 nhưng mực nước trên sông Ba, tại tỉnh Phú Yên đã thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 0,36-0,43m. Trước Tết Nguyên đán đến nay, trên thượng nguồn sông Ba không có mưa, trong khi đó các hồ thuỷ điện đều tăng cường trữ nước để phát điện dẫn đến nước về hồ thuỷ điện sông Ba Hạ rất hạn chế, chỉ giao động ở mức 102,6m đến 102,8m, tức chỉ cao hơn mực nước chết 1,5m đến 1,8m và tiếp tục xuống thấp từng ngày, nhà máy chỉ chạy một tổ máy với 50% công suất thiết kế.

Bà Hoàng Thị Lan, Dự báo viên Trung tâm khí tượng thuỷ văn Phú Yên khẳng định tình hình thời tiết ở Phú Yên không quá gay gắt, mực nước trên sông Bàn Thạch và sông Kỳ Lộ, 2 con sông khác ở tỉnh Phú Yên đều xấp xỉ hoặc cao hơn các năm trước. Riêng sông Ba mực nước thấp, cạn kiệt là do các hồ thuỷ điện phía trên tăng cường trữ nước.

Bà Hoàng Thị Lan cho biết: “Lý do hiện nay các hồ thuỷ điện cũng tăng cường trữ nước để đảm bảo hoạt động nên ở khu vực hạ lưu nên khó khăn hơn, do đang trong mùa khô nên mưa cũng ít mà nước cũng ít”.

Ở vùng cuối nguồn, nước sông Ba cạn kiệt, càng làm cho quá trình xâm nhập mặn diễn ra nhanh và sớm hơn. Làng rau Bình Ngọc, thành phố Tuy Hoà đã có nhiều vùng phải bỏ hoang, giếng nước bị nhiễm mặn. Tại huyện Sơn Hoà, lượng nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu bơm tưới. Nguy cơ thiếu nước còn đe doạ cả hệ thống thuỷ nông Đồng Cam, công trình tưới cho cả cánh đồng Tuy Hoà, Phú Hoà và một phần Tuy An.

Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế điều tiết liên hồ chứa trên sông Ba trong mùa lũ và mùa khô hạn. Thiết nghĩ các công ty thủy điện nên tuân thủ quy chế này, tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất và làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân vùng hạ du./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên