Nguyễn Phạm Hòa Bình và "chất kỹ thuật" đặc trưng VOV
VOV.VN -Chị xứng đáng là “nữ tướng” nhà Đài như nguyên Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh, Vũ Văn Hiền rất tự hào và tin tưởng khi giới thiệu về chị.
Năm 1994 tôi được tuyển dụng vào Trung tâm Âm thanh (TTAT), Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), phòng Kỹ thuật Vô tuyến điện (nay là phòng Điện tử và Tin học), nghe các cô chú kể “phòng có chị Nguyễn Phạm Hòa Bình, hai bằng kỹ sư cả điện tử và tin học, sửa máy như người sửa kinh nghiệm lâu năm lành nghề”, thì háo hức được gặp lắm, vì khi đó chị đang theo học một lớp đào tạo ngắn hạn ở Đài phát thanh đối ngoại Đức (DW).
Lần đầu nhìn thấy một người cao lừng lững, đi như duyệt binh trên hành lang nhà 39 Bà Triệu, tôi nhận ra ngay chị mà không cần ai giới thiệu. Kể từ ngày ấy tôi được chứng kiến sự cống hiến vô điều kiện cho sự nghiệp phát thanh của Nguyễn Phạm Hòa Bình, từ giai đoạn của công nghệ phát thanh truyền thống (trước năm 2000), đến giai đoạn công nghệ phát thanh hiện đại (từ năm 2000 đến 2010). Chị xứng đáng là “nữ tướng” nhà Đài như nguyên Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh, Vũ Văn Hiền rất tự hào và tin tưởng khi giới thiệu về chị.
Đài Bá âm
Năm 1978, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội ngành điện tử viễn thông, Nguyễn Phạm Hòa Bình quyết định chọn Đài TNVN sau nhiều chào mời hấp dẫn của Truyền hình Việt Nam, Bưu chính viễn thông... Chị được phân công về tổ “máy con” (máy ghi âm lưu động dành cho phóng viên biên tập), tổ quản lý và sửa chữa máy ghi âm xách tay. Vừa ra trường, toàn lý thuyết suông, bỡ ngỡ với môi trường toàn các “cao thủ” về máy móc, lại có ý xét nét thử thách cô kỹ sư tập sự. Nhờ được đào tạo bài bản, thông minh, khả năng thích nghi, học và tự học cao, chị đã nhanh chóng khẳng định mình và chinh phục được cả những kỹ thuật viên khó tính nhất như cô Mai Hương, cô Phi, chú Thép, cô Yến, cô Nga...
Nghiên cứu sơ đồ xong, chị đã dỡ tung hàng trăm mối hàn và lắp lại nguyên một số máy ghi âm thời đó như R5, R6 và là người đầu tiên tìm ra nguyên lý và cách sửa mô tơ R6. Sau đó, chị trở thành “giáo viên” hướng dẫn nghiệp vụ, phân tích mạch cho cả tổ.
Năm 1984, chuyển sang làm ở phòng “Kỹ thuật”, chị tiếp tục nghiên cứu, dịch tài liệu, đưa ra quy trình đo đạc, bảo dưỡng máy ghi âm, bàn trộn, chuẩn hóa các bước, để thiết bị âm thanh sẽ tạo ra những sản phẩm âm thanh hay, chất lượng cao.
Tòa nhà phát thanh “1286” và công nghệ tương tự của Hungari
Tòa nhà phát thanh “1286” là tên gọi nhà 39 Bà Triệu bây giờ, để đánh dấu mốc xây dựng tháng 12/1986, hoàn thành năm 1990. Đây là tòa nhà kỹ thuật phát thanh chuyên nghiệp với mô hình tổng thể, được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam. Một hệ thống sản xuất chương trình (theo công nghệ analogue) hiện đại nhất lúc đó, gồm 24 phòng thu và Tổng khống chế (TKC).
Giữa các phòng thu và TKC được thiết kế đầy đủ các đường tín hiệu chính, dự phòng, tín hiệu đàm thoại… Hệ thống do nước bạn Hungari (là nước đứng đầu về điện tử, điện thanh trong khối XHCN lúc ấy) giúp đỡ, thiết kế chi tiết với các sơ đồ khối, sơ đồ đi dây từng phòng thu, TKC, đấu nối giữa các phòng thu với TKC...
Kỹ sư trưởng, đội trưởng lắp đặt là ông Vũ Văn Đài, nguyên Phó Giám đốc TTAT. Từ trong quá trình lắp đặt này, chị Bình trở thành kỹ sư hệ thống cừ khôi và là tay hàn cự phách của đội lắp đặt. Chuyên gia Hungari đã phải chịu “mất” nhiều bữa bia (là xa xỉ với thời bao cấp đó) vì lỗi thiết kế chị phát hiện ra.
Lắp đặt, trực tiếp tham.gia kiểm tra thông tín hiệu từng phòng thu, từng tuyến tín hiệu đi/về TKC, đi đài Truyền dẫn, nghiên cứu sửa chữa, đào tạo, đã giúp chị nắm vững hệ thống nhiều năm sau này, ra quyết sách cho những phương án mở rộng khả năng sử dụng hệ thống, quyết định những phương án kĩ thuật khi triển khai các công trình nhà 41-43, 45 Bà Triệu...
Cuộc chuyển đổi công nghệ sản xuất và truyền âm từ “tương tự” sang “số”
Trung tâm Tin hiện đại đầu tiên của Đài TNVN được đầu tư và đưa vào khai thác năm 1995, với mô hình cơ sở dữ liệu tập trung, máy chủ “main frame” và trạm làm việc thu thập xử lý tin như một thiết bị đầu cuối “terminal”.
Vừa ở Đức về, chị được lãnh đạo Đài TNVN giao làm trưởng nhóm lắp đặt, làm việc với chuyên gia của Úc, Mỹ, cùng một số kỹ sư trẻ mới vào Đài trong đó có tôi. Chúng tôi được học nghề thực sự từ công trình này, và cũng từ thực tế này, TTAT có một kiểu nói tiếng Anh giống nhau, kiểu “Madam Bình”, từ ngữ điệu, cách dùng từ, đến cả lỗi ngữ pháp sai như nhau, đến các chuyên gia Đức làm việc với TTAT cũng nhận ra điều ấy.
Tháng 12/2002 và đầu năm 2003, đánh dấu bước chuyển mình triệt để về công nghệ sản xuất truyền âm các hệ chương trình phát thanh, khi toàn bộ các hệ phát thanh đối nội VOV1, VOV2, VOV3 chuyển đổi từ phương thức truyền thống, thủ công dựa trên băng từ, sang phương thức hiện đại dựa trên công nghệ số và mạng phát thanh vi tính hóa.
Sự chuyển đổi thành công này là nhờ “tổng công trình sư”, “kỹ sư trưởng” Nguyễn Phạm Hòa Bình, từ khâu lập dự án, lựa chọn công nghệ, triển khai lắp đặt, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chạy thử, đưa vào khai thác... đều là vai trò chỉ đạo trực tiếp của chị.
Công nghệ mới làm thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, tư duy và thói quen của cả đội ngũ phóng viên biên tập viên kỹ thuật viên nhà Đài. Chương trình phát thanh thành phẩm phát thủ công riêng rẽ trên từng băng cối, nay phát tự động bằng lịch phát sóng từ hệ thống máy chủ trung tâm. Tổng khống chế công nghệ chuyển mạch số, phòng thu trang bị thiết bị âm thanh số, hệ thống máy chủ và các trạm làm việc âm thanh theo cơ chế cơ sở dữ liệu tập trung, hệ phần mềm âm thanh phức tạp, tích hợp các hệ thống thành phần... với chúng tôi lúc ấy là thử thách rất lớn để làm chủ và đưa vào khai thác thành công. Đã có người gọi điện thoại mắng: “Chị định phá Đài hay sao mà đem làn sóng phát thanh quốc gia ra thí nghiệm”. May mắn là nguyên TGĐ Vũ Văn Hiền đã rất ủng hộ: “Việc này đã lên đến thiên đình, nhưng trèo lên lưng hổ rồi, phải cưỡi thôi, cố lên!”.
Thực tế đã chứng minh, 100% anh em TTAT kể cả những người lớn tuổi, trước đó còn chưa biết chuột, bàn phím là gì, dạy bấm “Alt” còn lò dò đi tìm ký tự “A, l, t”, đều đứng vững vào dây chuyền mới, không một ai “đầu hàng”, và tín hiệu gốc các chương trình phát thanh quốc gia vẫn được gửi đến làn sóng an toàn.
Về sau này những “biểu tượng” của thời đại analog như “bố” Ngũ, cô Liên, cô Phương, cô Dung, cô Bé, cô Huyền, cô Yến... đều lắc đầu quầy quậy khi được hỏi liệu có muốn quay về thời ghi âm, cắt trích, dàn dựng chương trình trên băng từ hay không.
Năm 2005 hệ thống mạng sản xuất và truyền âm các hệ phát thanh đối ngoại (thuộc dự án Nhà Biên tập phát thanh đối ngoại 45 Bà Triệu) đưa vào khai thác, năm 2008 hệ thống lưu trữ âm thanh số bắt đầu hoạt động, đánh dấu việc số hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất và truyền âm các hệ chương trình phát thanh đối nội và đối ngoại của Đài TNVN, với sự đóng góp không nhỏ của “nhạc trưởng” Nguyễn Phạm Hòa Bình.
Với mục đích chính là giữ gìn bảo tồn những tư liệu âm thanh quí giá hơn 60 năm của Đài TNVN, dự án “Lưu trữ âm thanh số” triển khai từ năm 2006, nhưng được nhóm chuyên gia uy tín trên thế giới về lĩnh vực lưu trữ bắt đầu tư vấn năm 2003. Kết quả của chương trình tư vấn dài hạn trong 5 năm với 5 đợt đào tạo của các chuyên gia Đức, Áo cùng các kỹ sư TTAT và phóng viên biên tập các hệ, được Tổng giám đốc Đài TNVN và đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam ghi nhận và khen ngợi trong lễ tổng kết chương trình tại TTAT cũng trong năm 2008.
Cho đến nay nhiều tư liệu, tiếng động quí giá như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết và ngâm thơ xuân 1968, 1969…, bản tin chiến thắng phát trên Đài trưa ngày 30/4/1975…cung cấp từ hệ thống lưu trữ âm thanh luôn làm người nghe xúc động ở bất kỳ chương trình nào, càng thể hiện ý nghĩa của công tác lưu trữ, bảo tồn.
Lãnh đạo Đài đến làm việc tại kho băng truyền thống của Đài TNVN
Chất “nữ tướng” đặc trưng “kỹ thuật”
Chất “nữ tướng kỹ thuật” của chị Bình không chỉ ở bộc lộ trong công việc. Đài TNVN có lớp thạc sĩ khoa học do Học viện kỹ thuật quân sự (KTQS) đào tạo năm 2003-2006, chị là lớp trưởng, cũng là học viên cao tuổi nhất (chị bảo “đi học làm gương cho bọn trẻ”), nhưng đạt điểm tổng kết tốt nghiệp chung cao nhất. PGS.TS Nguyễn Quốc Bình của học viện vài lần phải thốt lên: “Tôi chưa gặp học sinh nào đặc biệt như chị!”.
Hai “thủ lĩnh kỹ thuật” nhà Đài, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đoàn Việt Trung và nguyên giám đốc Trung tâm RITC Nguyễn Lệ Quân có lẽ là những người hiểu và đồng hành với chị cả “nghề” và “đời”, họ hiểu nhau từ cả ẩn ý sâu xa của mỗi lời nói, đến những ý tưởng phát triển lớn lao cần xin ý kiến hoặc chia sẻ, họ là thế hệ vàng của khối kỹ thuật. Có lần ông Trung nhắc tôi: “Nhà ngươi học Bình cái gì thì học, không được học làm Mr.Bình, hãy học là Madam Quân”. Những người làm kỹ thuật đến chê nhau cũng không cần giấu giếm.
Chất mạnh mẽ, dữ dội, quyết đoán và thẳng thắn ấy đã làm nên thành công của Nguyễn Phạm Hòa Bình. Làm việc dưới quyền chị, chúng tôi luôn bị áp lực, căng thẳng, chị luôn đòi hỏi anh em phải làm được hơn khả năng của họ, nhanh hơn và hoàn hảo hơn. Chị tin tưởng giao trách nhiệm cho cấp dưới, và lứa cán bộ hôm nay như Dương Hồng Hải, Nguyễn Năng Khang, Vũ Xuân Cường... đều là học trò của chị.
Cái cứng rắn, nguyên tắc của chị nhiều khi gây ấn tượng không tốt với nhiều đồng nghiệp biên tập, nhưng điều đó đã tạo nên nền nếp, kỷ cương tuân thủ quy trình quy chế sản xuất truyền âm tại TTAT, điều rất quan trọng để đảm bảo an toàn liên tục của làn sóng Quốc gia.
"TTAT là công đoạn kỹ thuật phát thanh phức tạp, nhanh biến đổi theo hướng hiện đại nhất. Nhưng đồng thời lại gắn liền với qui trình, qui chế, kỷ luật, bảo vệ an toàn cao nhất. Mâu thuẫn ấy phải được sử lý hài hoà, uyển chuyển. Giám đốc Nguyễn Phạm Hòa Bình là người giải quyết hoàn hảo nhất."- Nguyên Phó Tổng giám đốc VOV Đoàn Việt Trung nhận xét.
Đằng sau vẻ cương trực có chút xù xì, gai góc, Nguyễn Phạm Hòa Bình là người giàu tình cảm, đầy trắc ẩn và chân thành. Chị giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn của anh em trong cơ quan, một số người đến bây giờ vẫn nói với tôi về chị “người tốt hiếm có thời buổi này” và gia đình họ phải biết ơn chị.
Với Nguyễn Phạm Hòa Bình, Trung tâm Âm thanh là cuộc sống, là không khí, là nước uống, là tình yêu lớn lao trong trái tim chị. Bạn bè đồng nghiệp yêu quí chị cứ lo khi chuyển công tác “về địa phương”, không hiểu chị sẽ thích nghi thế nào. Nhưng chị đã rất nhanh chóng chuyển chất “chiến tướng” về chất “nhu mì” của người giữ lửa trong gia đình. Trồng cây, trồng rau sạch, nấu những món ăn sở trường, say sưa học cách chế biến những món ăn lạ, chăm sóc con, cháu, tập thể thao, làm thơ, tự tìm niềm vui cho mình và người bạn đời yêu dấu. Nguyễn Phạm Hòa Bình vẫn vậy, cứ như “không tuổi”, tràn đầy đam mê và niềm vui sống./.