Nhà báo cần tạo dựng “bản sắc” cho riêng mình

Niềm đam mê, cảm xúc nghề nghiệp, ham học hỏi và chấp nhận dấn thân là những yếu tố cần thiết làm nên “thương hiệu” của nhà báo.

Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ngày 16/6, Đoàn Thanh niên và Chi hội Nhà báo Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) Đài TNVN đã tổ chức buổi giao lưu “Con đường vào nghề” với các nhà  báo lão thành tên tuổi từng công tác tại Đài TNVN.

Tham dự buổi giao lưu có nhà báo Lê Đình Đạo, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN; nhà báo Kim Cúc, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN; nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng ban Kinh tế; nhà báo Trần Thiên Nhiên, nguyên phóng viên thời sự Hệ VOV1; nhà báo Hoàng Lan và Minh Đức, những người trọn đời gắn bó và cống hiến cho Đài TNVN nay đã nghỉ hưu.

Tại buổi giao lưu, những kỷ niệm gắn bó với Đài TNVN, những bài học thực tiễn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu, được đúc kết từ chính cuộc đời cầm bút đã được các nhà báo lão thành chia sẻ, tâm sự cùng các nhà báo trẻ.

Các thế hệ nhà báo Đài TNVN tại buổi giao lưu

“Xúc cảm nghề nghiệp” không thể thiếu với người làm báo

“Con đường vào nghề” không giống nhau, song các nhà báo khách mời đều cho rằng, lựa chọn nghề báo không phải là để “có công ăn việc làm ổn định” mà đây thực sự là công việc đòi hỏi nhiều tố chất, trong đó cần hội tụ năng khiếu, lòng yêu nghề và sự đam mê dấn thân. Nhà báo Trần Thiên Nhiên, một cây bình luận sắc sảo của Đài TNVN, cho rằng, nhà báo cần có cái tâm và phải có xúc cảm thực sự trước đề tài; phải lao vào “điểm nóng” như “nhà khí tượng lao vào tâm bão”. Mỗi nhà báo cần tạo dựng “thương hiệu” riêng cho mình, thể hiện “cái tôi” trong mỗi bài báo chứ không phải đi nói lại ý của người khác, nhà báo Trần Thiên Nhiên chia sẻ.

Xúc cảm và trách nhiệm nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu với mỗi phóng viên. Đối với nhà báo Kim Cúc, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà đã vô cùng sung sướng khi được cầm quyết định về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, thỏa ý nguyện được làm báo. Tuy nhiên, phải đến khi được tham dự cuộc gặp mặt kỷ niệm thành lập Chính phủ lâm thời miền Nam tại Quảng Trị năm 1973, bà mới cảm nhận hết được ý nghĩa của nghề nghiệp.

Giao lưu cùng nhà báo Trần Đức Nuôi và Kim Cúc

Nhà báo Kim Cúc kể: “Đi qua cầu Hiền Lương, cây cầu bị chia cắt và cảm nhận khát vọng hòa bình cháy bỏng, tôi đã òa khóc. Sau đó, tôi đã viết bài về cuộc gặp gỡ trò chuyện với người dân vùng giải phóng Quảng Trị với tất cả tấm lòng và tình cảm của mình. Bài viết đã được giọng đọc Nam Bộ của phát thanh viên Kim Hoa thể hiện và lên sóng. Đây là tác phẩm đầu tiên của tôi và đến giờ tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc”.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên cũng đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến những cảnh chết chóc đau thương trong những ngày Hà Nội làm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, và trong 12 ngày đêm ác liệt ấy, ông đã viết 6 bài phát sóng. Còn nhà báo Minh Đức, người từng đoạt giải A Báo chí Quốc gia với tác phẩm “Đấu tranh, tránh đâu” thì đúc kết: Viết đề tài gì cũng phải có cái tâm, chính xác và vô tư của người cầm bút cũng như phải theo đuổi đề tài đến cùng, không được nản chí. Bà cũng nhấn mạnh, cảm xúc nghề báo không để những cảm tính cá nhân chi phối, điều quan trọng là phải làm sao để thính giả tin cậy ở ngòi bút của mình.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên và Lê Đình Đạo giao lưu cùng các nhà báo trẻ VOV1

Thành công là ở sự tích lũy

Nhà báo Lê Đình Đạo, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN chia sẻ, xuất thân từ “dân” Vật lý vô tuyến, cho nên thời gian đầu đi làm báo tài Đài TNVN, ông gặp không ít khó khăn. Theo ông, bên cạnh kiến thức học từ nhà trường, điều quan trọng là các nhà báo cần không ngừng nâng cao trình độ; thường xuyên tu dưỡng và học hỏi từ chính đồng nghiệp, các thế hệ đi trước cũng như thực tiễn cuộc sống. Ông cho rằng, “năng khiếu” quyết định 50%, phần còn lại là sự rèn luyện của mỗi người cầm bút.

“Để cạnh tranh với các loại hình báo chí khác, người phóng viên làm phát thanh cần tạo được “chất” riêng của mình, đó là sự nhanh nhạy và tiếng động trung thực, sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại để phát huy lợi thế của phát thanh”, nhà báo Lê Đình Đạo chia sẻ.

Cũng xuất thân từ dân “ngoại đạo”, nhà báo Hoàng Lan những ngày đầu tiên vào nghề báo tại Đài TNVN cảm thấy vô cùng chán nản bởi đôi khi bà phải viết đi viết lại, “sợ” bị nêu tên khi không hoàn thành nhiệm vụ. Song “giống như hai người bạn yêu nhau lúc nào không biết, tôi đã yêu nghề và gắn bó với nghề một cách tự nhiên”, bà ví von. Tuy nhiên, để thành công, bà đã phải nhiều đêm thức trắng để tự học, học “mót” của đồng nghiệp cũng như phải vô cùng “lao tâm khổ tứ” với nghề.

Nhà báo Minh Đức và Hoàng Lan nhận hoa từ Giám đốc VOV1 Uông Ngọc Dậu

Nhà báo Trần Đức Nuôi, với 37 năm công tác tại Đài TNVN, với nhiều tác phẩm văn học và báo chí đã được xuất bản chia sẻ: Vốn xuất thân từ “dân Văn”, ngày mới ra trường ông thích vào công tác tại các viện nghiên cứu hay viết bình luận, phê bình… Song “bắt tay vào làm báo mới thấy gian truân”. Với ông, không ngừng đọc, viết, đi, nhà báo mới “cảm” và học được điều từ cuộc sống và những tác phẩm phục vụ thính giả mới có sức sống bền lâu. Với ông, châm ngôn của thành công là “tích lũy, tích lũy và tích lũy”.

Các nhà báo khách mời cũng đã chia sẻ với các phóng viên trẻ về những trăn trở với nghề, cũng như làm sao để “tiếp lửa” cho các bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành báo chí. Đồng thời nhắc lại câu nói của nguyên Tổng Biên tập Đài TNVN Phan Quang: “Nhà báo. Anh là ai?” như một lời nhắn nhủ tới các nhà báo và những bạn trẻ ấp ủ ước mơ làm báo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên