Nhà báo Lan Minh - Bà mẹ của những phóng viên nhí

VOV.VN - Hơn 30 chục năm làm báo, nhà báo Lan Minh đã nỗ lực trong việc thúc đẩy trẻ em tham gia vào lĩnh vực truyền thông.     

Gắn bó với thiếu nhi từ khi ra trường cho đến nay dù đã về hưu được 8 năm, chị Lan Minh nguyên Vụ trưởng - Trưởng Ban phát thanh Thanh -  Thiếu nhi, Đài TNVN vẫn rong ruổi trên mọi nẻo đường với các hoạt động vì trẻ em. Hơn 30 chục năm làm báo, chị đã nỗ lực trong việc thúc đẩy trẻ em tham gia vào lĩnh vực truyền thông.

“CLB phóng viên nhỏ” ý nghĩa lớn

Ngay từ những năm 90 của thế kỉ trước,  sau 10 năm là phóng viên Ban phát thanh Thanh - Thiếu nhi, Đài TNVN, chị Lan Minh nhận ra rằng, để những chương trình phát thanh thiếu nhi hấp dẫn các em, tốt hơn hết là để trẻ tự viết về chúng, thay vì phóng viên cứ phải “cưa sừng làm nghé”. Những phóng viên chương trình dù rất yêu trẻ và tìm hiểu khá kĩ về chúng, nhưng những câu chuyện mà các em kể khi phóng viên phán ánh thường được nhìn qua lăng kính của người lớn, làm câu chuyện khác đi nên các em không thích. Chưa kể những bài viết của người lớn khi được phát thanh viên nhí thể hiện cũng gây khó khăn cho các em.

Nhà báo Lan Minh (ngoài cùng, bên trái) trong một buổi ra mắt sách về quyền trẻ em

Vì thế, khi làm công tác quản lý, từ năm 1992-1997, chị Lan Minh thí điểm cho trẻ em tham gia vào lĩnh vực truyền thông. Qua mấy năm, thấy cách làm hiệu quả, đến năm 1998, chị xin lãnh đạo Đài cho thành lập CLB phóng viên nhỏ thuộc Đài TNVN, sau phát triển rộng ra các tỉnh thành.

“Mới đầu thành lập, tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi lúc đó người ta chưa hiểu quyền tham gia của trẻ trong lĩnh vực truyền thông. Họ cho rằng, chúng tôi mớm lời cho trẻ, đòi hỏi cách làm báo chí theo kiểu phương Tây. Chúng tôi rất vất vả trong việc thuyết phục cha mẹ, thầy cô, các đồng chí lãnh đạo các cấp tạo điều kiện cho trẻ em vào cuộc, được nói lên tiếng nói của chính mình, được phản ánh cuộc sống xung quanh qua đôi mắt trẻ thơ” - chị Lan Minh nhớ lại.

Chị Lan Minh đã phát triển CLB phóng viên nhỏ tại hơn 30 tỉnh, thành với hơn 3.000 phóng viên nhỏ thường xuyên gửi tin, bài về chương trình. Bài viết của các em lúc đầu còn thô nhưng qua các lớp đào tạo, trình độ và năng lực các em ngày càng được nâng cao, nhiều em trở thành CTV ruột của chương trình.  Có trong tay những phóng viên nhỏ, chương trình xây dựng thêm 4 tiết mục mới để cho các em thể hiện như: Diễn đàn Khát vọng tuổi thơ, Hoa Thủy Tinh, Niềm tự hào tuổi nhỏ Việt Nam và chương trình dành riêng cho nhi đồng.

Nâng cách ước mơ cho phóng viên nhí

Từ khi làm công tác quản lý, chị Lan Minh thường khuyến khích phóng viên đi cơ sở, bản thân chị cũng đi rất nhiều. Mỗi khi về cơ sở, chị thường tổ chức các buổi tọa đàm lắng nghe trẻ em nói. Chị cũng hợp tác với tổ chức Childfund, UNICEF, Plan, Tổ chức tầm nhìn thế giới…nghiên cứu về thiếu nhi.

Hằng năm, tại các kì liên hoan phóng viên nhỏ ở khu vực hay toàn quốc cũng là một diễn đàn để các em được lên tiếng. Từ thực tế cuộc sống, chị Lan Minh biết các em đang cần gì, muốn gì để xây dựng chương trình thiết thực với các em. Giai đoạn đó, Ban phát thanh Thanh - Thiếu nhi rất có uy tín và được Đài TNVN, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy ban Dân số gia đình của trẻ em đánh giá cao trong việc thúc đẩy trẻ em vào cuộc, thực hiện quyền của các em trong truyền thông.

Nhà báo Lan Minh với các phóng viên nhỏ vùng cao

Chị Lan Minh cho rằng, việc xây dựng CLB phóng viên nhỏ là việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của chị, bởi là một nhà báo về trẻ em, chị thấy mình chỉ viết về trẻ thôi chưa đủ, mà phải đưa các em vào cuộc, song hành cùng các anh chị phóng viên Đài. Về hưu được 8 năm, nhưng hiện nay chị vẫn tiếp tục tham gia những lớp đào tạo phóng viên nhỏ ở các địa phương.

“CLB phóng viên nhỏ không phải đào tạo để các em trở thành phóng viên trong tương lai mà thông qua việc phát triển năng lực, trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, sẽ là hành trang để các em vững vàng bước vào đời. Từ những phóng viên nhỏ, trong tương lai chúng ta có lớp công dân dám nói thật, dám chịu trách nhiệm với cộng đồng về việc mình làm, sống hướng thiện và có nhân cách” - chị Lan Minh tâm sự.

Thế hệ đầu tiên của CLB phóng viên nhỏ hiện nay có nhiều em trở thành nhà báo, nhà ngoại giao, nhà phát triển cộng đồng… rất có năng lực. Các em nhỏ trong CLB phóng viên nhỏ hiện nay nhiều em là phụ trách đội, bí thư đoàn năng nổ, nhiệt huyết. Một điều vui là mỗi khi gặp chị, các em xưng mẹ con rất tình cảm.

Theo chị Lan Minh không phải cứ có nguồn lực mới phát triển được CLB phóng viên nhỏ mà quan trọng là là sự nhiệt huyết của những anh chị phụ trách. Những tỉnh nào cán phụ trách tâm huyết thì CLB phóng viên nhỏ phát triển rất tốt, ví như tỉnh Quảng Bình, Bến Tre, Phú Yên.

Ngày 1/6/2015, CLB phóng viên nhỏ tỉnh Quảng Bình kỉ niệm 15 năm ngày thành lập. Hiện CLB phóng viên nhỏ tỉnh này có 4 “binh chủng” làm báo hình, báo mạng, tạp chí, truyền thanh.

Bảo vệ trẻ trước tiên từ gia đình

Sau khi nghỉ hưu, chị Lan Minh tham gia thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em, với vị trí là trưởng ban truyền thông của Hội. Chị cũng có nhiều hoạt động vì trẻ em, trong đó có việc thành lập CLB Kết nối để giúp trẻ em khó khăn, chị cũng là người tổ chức để soạn cuốn sách “Quyền trẻ em, quyền của chúng mình” được trẻ em đón nhận.

Chị Lan Minh cho rằng, chưa bao giờ công tác bảo vệ trẻ gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Trẻ em đang phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy, nguy cơ. Tuy nhiên, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho trẻ trước tiên phải xuất phát từ gia đình. Tự mỗi bậc phụ huynh phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng để biết cách bảo vệ con em mình. Bản thân các em cũng phải được cha mẹ, thầy cô trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, những nguy cơ.

Sau gia đình, hàng xóm láng giềng phải biết quan tâm đến nhau. Thấy đứa trẻ bị kẻ xấu lôi kéo phải báo ngay cho bố mẹ nó biết. Nếu hàng xóm biết bảo vệ nhau thì làm sao có những đứa trẻ 12-13 tuổi bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường nghiện ma túy.

Chị Lan Minh cảm thấy mừng vì 5 năm trở lại đây, người lớn đã chịu “Lắng nghe trẻ em nói” nhiều hơn. Có những tỉnh, thành đã làm rất tốt điều này như TP.HCM, Đà Nẵng. TP.HCM cứ 6 tháng một lần, lãnh đạo HĐND thành phố tổ chức đối thoại với các em. Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em gần đây cũng chú ý thúc đẩy quyền trẻ em thông qua các diễn đàn.

Năm 2013, trước thềm Diễn đàn trẻ em quốc gia, chị được tổ chức UNICEF, Plan, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em mời đi hỗ trợ kĩ thuật cho 10 tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, chị cảm thấy khá hài lòng vì người ta bắt đầu quan tâm và trân trọng tiếng nói của trẻ.

“Niềm vui lớn nhất của tôi khi cả cuộc đời gắn bó với trẻ em là tôi có một gia đình hạnh phúc với các con ngoan ngoãn, thành đạt. Năm1990, khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em, tôi đã áp dụng những điều luật của Công ước này cho các con của mình. Nhờ được lắng nghe, con tôi tự tin, tự lập trong cuộc sống. Và nhờ biết lắng nghe, tôi đã trở thành người bạn lớn để con chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống”, chị Lan Minh tâm sự./.

“Điều tuyệt vời của nhà báo Lan Minh là ở cách tổ chức, điều hành hệ thống CLB Phóng viên nhỏ. Mẹ Minh tận tình hướng dẫn chúng tôi các kĩ năng làm báo. Khi trình bày xong một vấn đề, mẹ luôn hỏi xem chúng tôi có thắc mắc gì không. Cái cách mẹ trò chuyện rất thân mật, giản dị. Mẹ sẵn sàng đi chân đất để vui chơi với chúng tôi. Mẹ đặc biệt trân trọng những trẻ em nông thôn viết báo. Mẹ hay động viên chúng tôi mạnh dạn, đừng ngại mình thua các bạn thành phố. Tôi học được ở mẹ một điều: Muốn làm việc tốt với trẻ thì phải sẵn sàng ăn, chơi, ngủ với chúng nó và coi bọn trẻ như con cháu nhà mình. Sau này khi tôi không sinh hoạt CLB phóng viên nhỏ nữa, mẹ vẫn quan tâm hỏi han, tư vấn hướng nghiệp cho tôi” – Hoàng Thị Khánh Huyền – CLB phóng viên nhỏ Quảng Bình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên