Nhà báo Lê Quý – Người đầu tiên làm phát thanh đối ngoại

VOV.VN - Dù đã gần 90 tuổi, ngọn lửa của tình yêu nghề nghiệp luôn rực sáng trong ông, đặc biệt mỗi khi gặp các đồng nghiệp Đài TNVN.

Nhà báo Lê Quý, nguyên Trưởng ban đầu tiên của Ban biên tập Đối ngoại - Đài TNVN, nguyên Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam là một trong những nhà báo đầu tiên làm công tác tuyên truyền đối ngoại. Với ông những kỷ niệm về một thời làm phát thanh đối ngoại từ khi Đài TNVN thành lập, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không bao giờ phai nhạt. Và điều quan trọng hơn, chính những kỷ niệm đó đã được đúc rút thành những kinh nghiệm quý cho bản thân và đồng nghiệp sau này.

Lê Quý sinh ra và lớn lên tại Huế. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông đang học tại trường Quốc học Huế, hệ Tú tài. Các ông Xuân Diệu, Huy Cận học trên vài lớp, còn Trần Hoàn học dưới ông 1 lớp. Lúc ấy phong trào học sinh, sinh viên phát triển mạnh, người đi thanh niên tiền tuyến, người Nam tiến.

Lê Quý được giác ngộ nên đầu quân vào Ban Thông tin liên lạc giải phóng quân, đảm bảo đưa công văn tin tức từ đồn Mang Cá, lên Khe Sanh, Sepon (Lào)... Chính những ngày đầu tiên “ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà đó” đã dẫn ông những bước chập chững bước vào nghề thông tin, báo chí.

Và thật may mắn, sau Cách mạng tháng Tám, vào tháng 4 năm 1946 ông Lê Quý được ông Trần Văn Chương (Billy Chương), người cực kỳ giỏi tiếng Anh lúc đó dẫn ra Hà Nội và giới thiệu vào làm tại Đài TNVN. Lê Quý rất giỏi tiếng Pháp và ông chỉ biết tiếng Pháp, nên ông Trần Văn Chương dạy thêm cho ông tiếng Anh.

Nhà báo Lê Quý (trái)

“Dù lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về Cách mạng, về tuyên truyền đối ngoại nhưng được vào Đài làm việc tôi phấn khởi lắm.  Ở Đài lúc đó tòan anh em trẻ cả, như anh Trần Lâm lúc ấy mới là sinh viên. Anh Bùi Xuân Hoàn làm tiếng Pháp, anh Trần Sinh làm cả hai thứ tiếng Bắc Kinh và Quảng Đông, tôi và anh Chương làm cả tiếng Anh, tiếng Pháp... Ai cũng phấn khởi, tự hào dù buổi ban đàu thiết thốn biết bao nhiêu nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, nhà báo Lê Quý nhớ lại.

“Không có cuộc đấu tranh nào không có mặt trận, không chịu gian khổ, hy sinh. Cuộc đấu tranh của chúng tôi lấy làn sóng làm trận địa, tuy không có đầu rơi, máu chảy nhưng không kém phần quyết liệt”. Ông Lê Quý kể lại như vậy và nói rằng: Lúc đó, nhiệm vụ của những người làm thông tin đối ngoại là sao cho thông tin đầy đủ, chính xác về chủ trương kháng chiến trường kỳ của Đảng và Nhà nước ta tới bạn bè quốc tế; chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ tới kiều bào ta ở nước ngoài, và đặc biệt là những bài bình luận được viết nhanh để đập lại những luận điệu của kẻ thù xuyên tạc sự thật cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta...

Thời kỳ ấy, Đài sơ tán trên chiến khu Việt Bắc chỉ có 9 năm mà Đài phải chuyển địa điểm tới hơn chục lần. Không studio, thiếu micro, thiếu thiết bị... và đặc biệt là thiếu thông tin nhưng anh em phân công nhau nghe đài địch để lấy thông tin với chủ trương "Dùng thông tin của địch để đánh lại địch".

Vậy mà trong sự gian khổ ấy vẫn sáng lên những cây bình luận quốc tế sắc sảo như Trần Lân, Trần Kim Xuyên, Trần Văn Chương, rồi sau này là các anh Trần Văn Giàu, Hoài Thanh, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Công Tường, Nguyễn Tư Huyên...Những bình luận của các ông viết xong lập tức được dịch sang các thứ tiếng (lúc đó có 6 thứ tiếng được phát là Anh, Pháp, Bắc Kinh, Quảng Đông, Lào, Campuchia) và kịp thời phát sóng. Đặc biệt, anh Trần Công Tường và anh Trần Văn Chương viết thẳng bình luận bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Có những bài bình luận của anh Tường làm điên đầu bọn Pháp ở Hà Nội và chính quốc...

Với Lê Quý, thành công của phát thanh đối ngoại thời kỳ đó ngoài sự nỗ lực của anh chị em, còn có sự quan tâm của cấp trên, đặc biệt là Bác Hồ. Nói về Bác, ông Lê Quý hào hứng lắm: “Bác là người am hiểu tác dụng của tuyên truyền đối ngoại. Dù trong điều kiện kháng chiến bận rộn, nhưng hôm nào Bác cũng nghe. Bác không chỉ là một nhà chỉ đạo, mà trong buổi phát thanh có gì không đúng, Bác viết một tờ giấy nhỏ bằng mực đỏ gửi cho Đài nhận xét, rút kinh nghiệm và chỉ đạo luôn”.

Ông Lê Quý kể một câu chuyện như thế này: Năm 1946-1947 một số nơi ở Pháp bị lụt lớn. Các đài của Pháp đưa tin người dân Pháp bị thiệt hại nặng, có nơi thiếu đói. Chúng tôi lập tức đưa đầy đủ tin này với những từ có vẻ phấn khởi đại ý rằng: “Mang bom đạn đi đánh người khác, thì trời có tha đâu. Đáng đời quân xâm lược”. Hôm sau chúng tôi nhận được tờ giấy của Bác. Bác viết: “Các chú đưa tin thế này là không tế nhị. Quân đội Pháp xâm lược nước ta, chứ không phải nhân dân Pháp. Vì vậy, nhân dân Pháp bị thiên tai như vậy ta phải đồng cảm, chứ tỏ ra vui mừng như vậy là không được”. Với ông bài học đó theo suốt những tháng ngày làm công tác tuyên truyền đối ngoại.

Khi về Hà Nội sau 1954, Đài TNVN phát triển bộ phận phát thanh tiếng nước ngoài thành Ban Biên tập Đối ngoại và Lê Quý được cử làm Trưởng Ban. Khi ấy đất nước bước vào giai đoạn chống Mỹ. Lê Quý cùng tập thể anh chị em Ban Đối ngoại tổ chức các chương trình phát thanh khiến kẻ thù phía bên kia phải khiếp sợ.

Hỏi vì sao chúng ta lại có được điều thần kỳ đó? Ông cười: “Không có một sự may mắn nào từ trên trời rơi xuống cả! Tất cả đều do có sự chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự cố gắng của anh em. Lúc đó đài đã phát 12 thứ tiếng nước ngoài, nhân lực thiếu, nhiều đơn vị phải đi sơ tán khỏi Hà Nội... Nhưng để làm tốt công tác đối ngoại chúng tôi đã phải cơ động rất nhiều. Càng những lúc Mỹ ném bom Hà Nội rung cửa kính phòng chúng tôi càng đọc tin, bình luận... đanh thép hơn  để kẻ thù biết sức mạnh Việt Nam, còn nhân dân thế giới hiểu và chia sẻ với Việt Nam nhiều hơn”.

Trong số các chương trình ngày ấy có chương trình phát thanh Mỹ vận bằng tiếng Anh phát chủ yếu vào hàng ngũ binh sỹ Mỹ tại Sài Gòn và cả bên Mỹ (nhờ đài phát sóng Habana của Cuba) đã phát huy được tác dụng là đưa đài phát thanh Việt Cộng tới tận giường ngủ của lĩnh Mỹ. Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ với giọng đọc mượt như nhung đã khiến bọn lĩnh Mỹ phải khiếp sợ, những cái tên bọn chúng gán cho chị như "Hana Hà Nội" hay "phù thủy Hana" đã nói lên điều đó.

Kể đến đây, ông trầm ngâm hơn: “Sau nhiều năm, ngầm lại tôi càng thấm: Muốn đánh địch phải hiểu địch. Muốn có bình luận, bài viết đi vào lòng địch thì phải hiểu tâm lý của bọn chúng. Nhưng trong điều kiện chiến tranh, khó khăn như Việt Nam lúc đó thì để làm được điều đó mỗi cán bộ, phóng viên phải trăn trở và sáng tạo nhiều lắm. Chỉ từ một mẩu tin trên đài của chúng có thể suy luận ra nhiều điều... Có lẽ thời thế đã tạo cho chúng tôi sự sáng tạo ấy”.

Cách đây dăm năm, gặp ông ông vẫn cười thật sảng khoái khi được hỏi về những ý kiến của ông với công tác phát thanh đối ngoại: “Mỗi thời một khác, nhưng cái quan trọng nhất của người làm tuyên truyền đối ngoại là ngoại ngữ phải giỏi. Không chỉ một và một vài thứ tiếng. Thành thạo đến khi nào chúng ta dùng ngoại ngữ như dùng chính tiếng Việt để viết bài, bình luận thì mới ổn. Thứ nữa là phải tìm hiểu đối tượng. Không có một tờ báo, một chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại nào không có đối tượng riêng của mình. Chỉ khi nào hiểu được đối tượng cần gì thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Từ việc đáp ứng nhu cầu đó thì việc tuyên truyền các vấn đề đối ngoại mới đạt hiệu quả. Với người làm báo phát thanh thì điều đó càng quan trọng hơn, một bức thư của thính giả có thể gợi ý cho các phóng viên, biên tập viên rất nhiều ý tứ xa xôi. Với các cơ quan báo chí, việc đào tạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên là rất cấn thiết. Ngoài chuyên môn ngoại ngữ, người làm công tác tuyên truyền đối ngoại cần học thêm về báo chí và những kiến thức nền khác. Am hiểu văn hóa dân tộc cũng rất cần thiết, vì chỉ có khi nào người làm phát thanh đối ngoại  hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình thì mới có thể giới thiệu một cách trọn vẹn cho người nước ngoài hiểu và yêu văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Về hưu, nhà báo Lê Quý sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày ông vẫn làm công tác thẩm định nguồn sách báo ngoại văn phát hành vào Việt Nam. Ông nói: Đọc sách báo này không chỉ để biết thêm thông tin, mà cái chính là tăng thêm và hoàn thiện vốn ngoại ngữ cho mình.

Năm tháng qua đi, cậu học trò xứ Huế năm nào nay đã gần 90 tuổi. Ngọn lửa của tình yêu nghề nghiệp luôn rực sáng trong ông, đặc biệt mỗi khi gặp các đồng nghiệp nhà Đài. “Đài TNVN là ngôi nhà thứ hai của tôi, và Ban Đối ngoại là nơi có những người anh em ruột thịt”, Lê Quý nói thế và cả cuộc đời làm báo của ông đã là như thế./.                                                                     

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên