Nhà báo Lê Trường Kiên - người tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn
VOV.VN - Với bút danh Lê Kiên, anh xông xáo đi khắp miền quê trong Nam, ngoài Bắc, nhiều phen chịu bão lụt, gió lào với bà con miền Trung. Không thể đếm được có bao nhiêu bản tin, phóng sự về nông nghiệp, nông thôn của nhà báo Lê Kiên. Chỉ biết trong đó chứa đựng tấm lòng yêu quê, yêu nghề của anh.
Đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước, Tổng biên tập Trần Lâm nhìn đi nhìn lại đội ngũ phóng viên, biên tập mới của đài Quốc gia hầu hết là cử nhân khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp và Sư phạm văn Hà Nội. Xã hội phát triển, tiến lên công nghiệp hóa phải có phóng viên thạo về khoa học kỹ thuật. Vậy là 4 kỹ sư Bách khoa khóa 13 lọt vào "mắt xanh" nhà Đài Quốc gia, trong đó có Lê Trường Kiên. Kiến thức được tích lũy là kỹ thuật, bỗng nhiên nhảy ra làm báo theo sự phân công của tổ chức. Có người nản, có người muốn xin đi cơ quan khác, nhưng kỹ sư Lê Trường Kiên lặng lẽ nhận quyết định về Đài với mong muốn hiểu thêm đất và người quê nhà Hải Dương.
Anh được phân công làm phóng viên phòng Nông nghiệp, đơn vị có truyền thống lâu năm được bà con nông dân tin mến. Với bút danh Lê Kiên, anh xông xáo đi khắp miền quê trong Nam, ngoài Bắc, nhiều phen chịu bão lụt, gió lào với bà con miền Trung. Không thể đếm được có bao nhiêu bản tin, phóng sự về nông nghiệp, nông thôn của nhà báo Lê Kiên. Chỉ biết trong đó chứa đựng tấm lòng yêu quê, yêu nghề của anh.
Đầu năm 2005 tôi được điều về làm Trưởng ban Kinh tế Khoa học và Công nghệ của Đài TNVN thì nhà báo Lê Trường Kiên là Phó Trưởng ban. Gần gũi trong công việc lại là hàng xóm trong khu tập thể “tối lửa tắt đèn có nhau” nên tôi mới nhận ra nhiều hơn trước một Lê Kiên đằm thắm, khiêm nhường, giản dị, luôn “tầm sư học đạo”. Anh chỉ nổi nóng khi tranh luận về một vấn đề gai góc với đồng nghiệp, một bên là văn chương, một phía là kỹ thuật. Biết tính, nên tôi thường chờ anh hạ hỏa mới chuyện trò.
Lê Kiên bảo làm kỹ thuật thường kiệm lời, không rườm rà mà mạch lạc, dứt khoát, nhưng với bà con nông dân thì phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cái khó của dân kỹ thuật làm báo viết văn là chỗ ấy. Anh thả bút vào đủ các thể loại trên làn sóng phát thanh. Tôi ngạc nhiên khi Lê Kiên viết nhiều về thể loại câu chuyện truyền thanh, món đặc sản của báo phát thanh. Năm 2005, Ban chúng tôi liên kết với Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia tiếp tục tổ chức cuộc thi viết câu chuyện truyền thanh ( CCTT) về đề tài rất nóng thời bấy giờ “Làm giàu trên đất quê mình”. Lê Kiên viết hàng chục CCTT phát trên sóng Nông nghiệp và Nông thôn, được bà con khắp miền tán thưởng. Anh muốn in thành tập sách mà e ngại.
Tính Lê Kiên là thế, hay suy tính, ngập ngừng trước một quyết định quan trọng. Biết như vậy nên tôi xởi lởi “Đấy là ý hay trong ngày. Tôi sẽ bàn với giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giúp anh làm việc này”. Anh cười hiền “Cảm ơn bác nhé!”. Tiến sỹ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lúc bấy giờ rất tâm huyết với đề tài này nên đồng ý ngay và ít lâu sau cuốn sách ra đời với cái tên bay bổng “GIẤC MƠ KỲ LẠ”.
Sách dày gần 300 trang, đầy đặn 21 câu chuyện truyền thanh của nhà báo Lê Kiên. “Giấc mơ kỳ lạ” nhưng không lạ lẫm chút nào. Chuyện kể rằng, trong ngày giỗ tổ ở một làng quê, con cháu đi bốn phương trời gửi về cúng tổ tiên toàn là quả củ đồ ngoại cho sang. Đêm về cụ Tổ hiện lên bảo con cháu hãy giữ lấy gốc, giữ lấy tổ nghề, hãy cần kiệm đừng háo danh mà phung phí tiền của.
Đó cũng là cái lý cái tình của nhà báo Lê Kiên gửi gắm với đời, cho đời./.