Nhà báo tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ
VOV.VN - Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
Vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố 7 luật và Lệnh, Pháp lệnh. Trong đó Luật Báo chí (sửa đổi) có quy định, “khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”.
Nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ khi tác nghiệp
Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đã bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở.
Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi nhà báo phải có giấy giới thiệu, còn nếu phóng viên có giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ nhà báo.
Đặc biệt, cách đây chưa lâu, tại Thông tư 01/2014/CA của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào quy định nhà báo đến dự phiên tòa phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Quy định này đã gây dư luận không đồng tình từ báo giới và dư luận xã hội.
Những quy định trong Luật Báo chí mới mà Chủ tịch nước vừa công bố là rất rõ ràng và các yêu cầu đối với các cơ quan chức năng cũng rất cụ thể, dứt khoát. Đây sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để báo chí phát triển và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về báo chí./.
Với 6 chương, 61 điều, Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017./.
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
(Trích Luật Báo chí sửa đổi)