Nhà báo Trần Lâm: Một đời cống hiến cho hai chữ “Phát thanh”
Qua gần nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, hai từ “Phát thanh” đã đưa nhà báo Trần Lâm cùng Đài TNVN thành tượng đài trong ngành truyền thông nước nhà.
Sáng 9/6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài TNVN, Đài THVN đã tổ chức cuộc toạ đàm “Nhà báo Trần Lâm với báo chi cách mạng Việt Nam”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu lịch sử về truyền thống báo chí, chuẩn bị cho việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt; Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến; Tổng Giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh, cùng nhiều nhà báo lão thành và gia đình nhà báo Trần Lâm dự tọa đàm.
Người dựng nghịêp phát thanh - truyền hình Việt Nam
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến đã khẳng định công lao to lớn của nhà báo Trần Lâm đối với nền báo chí cách mạng nước nhà, người đặt nền móng cho sự phát triển của hai loại hình báo nói và báo hình hơn nửa thế thế kỷ qua.
Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến phát biểu tại buổi toạ đàm |
Nhà báo Trần Lâm là một trong số ít người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ dựng nghiệp phát thanh Việt Nam, mà dấu mốc là ngày 7/9/1945 - ngày Đài TNVN phát sóng chương trình đầu tiên. Để rồi sau đó, ông liên tục phụ trách Đài TNVN trong 43 năm (từ 1945 – 1988). Dưới sự chỉ đạo của nhà báo Trần Lâm, ngành phát thanh - truyền hình nước nhà đã vượt lên mọi gian truân, đi từ không đến có trong suốt những năm tháng cam go nhất của lịch sử dân tộc.
Nhà báo Trần Lâm là người trực tiếp chỉ đạo nội dung của Đài TNVN trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc; là người quan tâm xây dựng cơ sở vật chất và sáng tạo trong hợp tác quốc tế để phát triển ngành phát thanh - truyền hình nước nhà. Ông cũng là người có công xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa, phát triển sự nghiệp phát thanh - truyền hình Việt Nam.
Nhà báo Trần Lâm tên khai sinh là Trần Quảng Vận, sinh ngày 5/1/1922 tại xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá IV, V; nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Đài TNVN, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. |
Tại buổi toạ đàm, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhớ lại thời gian ở chiến trường, ông chủ yếu nắm bắt tin tức qua Đài phát thanh và chỉ “biết đồng chí Trần Lâm qua làn sóng”. Ông nhấn mạnh, qua quãng thời gian ở chiến trường mới thấy được sự vĩ đại của thông tấn báo chí, đặc biệt là Đài TNVN, không chỉ thúc đẩy tinh thần chiến đấu của quân và dân hai miền Nam, Bắc mà còn truyền tải những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương.
Đông đảo đại biểu tham dự toạ đàm |
Đặc biệt, sau này nhà báo Trần Lâm thường viết thư hoặc được triệu tập đến trao đổi với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, với những ý kiến rất chân tình, thẳng thắn, đưa ra những biện pháp rất phù hợp với tình hình.
“Đồng chí Trần Lâm là người lãnh đạo, chỉ đạo và cũng là một người tổ chức, một Tổng Biên tập xuất sắc, góp phần quan trọng đối với công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc kháng chiến trước kia và xây dựng đất nước ngày nay. Buổi toạ đàm về đồng chí Trần Lâm là việc làm rất có ý nghĩa, vừa trân trọng nhiều công lao to lớn của đồng chí với cách mạng nói chung, và trong việc xây dựng Đài TNVN thành một công cụ chính trị rất sắc bén, vững vàng, kiên định, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu nói riêng”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định.
Một đời tận tuỵ, khiêm nhường…
Nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm gắn bó với nhà báo Trần Lâm và khẳng định, nhà báo Trần Lâm là người ít nói về mình, trong đời thường ông là người khiêm nhường, giản dị và dễ gần.
Nhà báo Phan Quang kể: Sau khi nghỉ hưu, vào lúc Đài TNVN chuẩn bị nhân Huân chương Hồ Chí Minh và tiếp đón Huân chương Sao vàng. Nhân dịp này, nhà báo Trần Lâm được tặng thưởng Huân chương Độc lập. Anh em có ý định tổ chức cuộc họp trọng thể, mời lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đến trực tiếp trao ông phần thưởng cao quý.
Nhà báo Trần Lâm bàn: “Thôi anh à, ta làm đơn giản. Chủ tịch nước đã ký quyết định. Giờ chỉ cần triệu tập một số cán bộ cốt cán của Đài, tại cuộc họp anh đứng ra hay mặt lãnh đạo và toàn thể anh chị em trao Huân chương cho tôi là được”.
Tặng hoa cho vợ và con trai của cố nhà báo Trần Lâm |
“Tại buổi lễ đó, nhà báo Trần Lâm nói: “Đối với tôi, việc dễ dàng nhất là khai lý lịch cán bộ. Cả đời đến nay nghỉ hưu, tại mục Công tác lúc nào cũng chỉ hai từ “Phát thanh”. – Đúng vậy, thưa anh Trần Lâm, chúng tôi đáp, chỉ có hai từ cho một đời cống hiến. Qua gần nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, hai từ ấy đã biến anh cùng Đài TNVN thành tượng đài trong ngành truyền thông nước ta”, nhà báo Phan Quang bùi ngùi kể lại.
Còn đối với ông Lê Trường Kiên, chỉ với 5 năm làm thư ký riêng của nhà báo Trần Lâm (từ 1982 – 1985) đã để lại cho ông bao kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ. Ông Lê Trường Kiên nhớ lại, mỗi lần đi công tác về, nhà báo Trần Lâm lại có quà cho con ông, hỏi chuyện ông ở nhà đi cơ sở viết lách ra sao; xem bài rồi chỉ bảo chỗ nào viết được, chỗ nào chưa được.
Đặc biệt, nhà báo Trần Lâm tự viết hầu hết những văn bản, nhất là những văn bản gửi Trung ương, ông nói “viết chính là rèn luyện”. Câu chuyện về chiếc phong bì hai kỳ lương nhà báo Trần Lâm bỏ quên trong đống tài liệu, chuyện gia đình ông Lê Trường Kiên được nhà báo Trần Lâm cho mượn nhà ở… đã được người thư ký riêng kể lại với lòng khâm phục, ngưỡng mộ người anh, người thầy của mình.
Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng đề xuất: “Nguyện vọng của những người làm phát thanh - truyền hình là Đài TNVN nên lựa chọn phương án xây dựng tượng đài nhà báo Trần Lâm, để ghi nhớ những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như giáo dục thế hệ các nhà báo sau này". |
Nhà báo Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài THVN, cũng là người con trai của nhà báo Trần Lâm, xúc động khi nhắc tới người cha kính yêu của mình. Nhà báo Trần Bình Minh cho biết, trong suốt những năm tháng công tác cũng như khi về hưu, lúc nào ông cũng nghe đài, nhất là khi gia đình ăn cơm tối phải “trật tự” để nghe chương trình thời sự. Đấy chính là sự thể hiện lòng yêu nghề, tận tuỵ với công việc mà không thể hiện bằng lời.
Nhà báo Trần Bình Minh chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng thấy cha tôi cười với niềm lạc quan, yêu đời. Ông là người hóm hỉnh nhưng nghiêm khắc, nhân ái, độ lượng. Trong thực hành tiết kiệm, ông là người tằn tiện đến kham khổ, tất cả chỉ để vun vén cho sự nghiệp phát thanh mà ông đã chọn”./.