Nhà báo Trần Lâm: Quá khứ luôn ở trước mặt

Là người dựng nghiệp ngành PT-TH Việt Nam, liên tục 43 năm gắn bó với ngành PT-TH trên cương vị lãnh đạo cao nhất, nhà báo lão thành Trần Lâm là tấm gương lớn trong quá khứ và hiện tại của người làm báo Việt Nam.

Từ con số 0 - Khi mới tuổi 23, ông đã cùng các cộng sự gây dựng lên Đài Phát thanh Quốc gia. 3 sự kiện quan trọng nhất được quyết định lúc đó là: Tên Đài mang tên đất nước - Đài TNVN; Phát sóng chương trình đầu tiên vào ngày 7/9/1945 (5 ngày sau thành lập nước); Lời xướng ngắn gọn, nói lên ý chí, tự hào và vị thế quốc gia: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, sau này đổi thành “nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Là Giám đốc kiêm Tổng biên tập, ông gắn bó liên tục 43 năm với Đài TNVN cho đến khi nghỉ hưu (1945 -1988), đi xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của ông, ngành PT-TH Việt Nam đã vượt lên mọi gian truân, đi từ không đến có, đi từ cơ sở vật chất kỹ thuật thô sơ đến ngày càng tiên tiến, đi từ chương trình phát thanh ban đầu còn đơn sơ đến các nội dung và chương trình ngày càng đa dạng, phong phú, sâu đậm... Đài TNVN đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết, tin cậy của mọi tầng lớp nhân dân.

Cố nhà báo Trần Lâm

Tư duy, trí tuệ, sáng tạo của Nhà báo Trần Lâm đã làm nên vị thế riêng biệt của phát thanh trong suốt nửa thế kỷ: Đúng như Đài, hay như Đài. Là một cử nhân luật từ thời Pháp thuộc, ông đặc biệt sắc sảo trong chỉ đạo về các mảng chính trị và nông nghiệp với nhãn quan của một nhà lãnh đạo luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, và bám sát thực tiễn cuộc sống. Thực tế đã chứng minh, làn sóng phát thanh có vai trò vô cùng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước. Vai trò, vị thế của Đài TNVN gắn liền với tên tuổi Trần Lâm.

Là người đứng đầu ngành phát thanh và sau này có thêm truyền hình, ông đã xây dựng được mối quan hệ hết sức chặt chẽ và hiệu quả với các đài PT-TH khối XHCN và các nước láng giềng lúc bấy giờ. Nhờ đó tận dụng được sự hợp tác hết sức quý giá về trang thiết bị, nghiệp vụ phát thanh từ các đồng nghiệp Liên Xô, Trung Quốc, Hungary, Đức, Tiệp Khắc… vượt qua cấm vận của đế quốc, dần hiện đại hóa phát thanh Việt Nam.  Ông đã có sáng kiến sử dụng làn sóng nước bạn (từ Côn Minh, Trung Quốc và La Habana, Cu Ba) để hỗ trợ phát sóng vào miền Nam khi Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, phát sóng sang Mỹ và các nước khác trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất. Nhờ đó góp phần không nhỏ vào việc tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, kể cả tại Mỹ và các nước phương Tây. Đây là một sáng tạo chưa có tiền lệ.

Dưới sự chỉ đạo của ông, Đài TNVN đã giúp đỡ nước bạn Lào và Campuchia xây dựng và phát triển hệ thống phát thanh từ thời kỳ trứng nước. Ngày nay mối quan hệ đặc biệt đó vẫn được duy trì.

Ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ, trí thức - Không chỉ trực tiếp đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ làm phát thanh, mà ông còn quy tụ được nhiều ngôi sao sáng trong giới văn nghệ, trí thức phục vụ làn sóng TNVN như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng; Nhạc sỹ Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Lê Lôi, Hồ Bắc, Cao Việt Bách, Phan Nhân, Trần Chung, Nguyễn An, Trần Mạnh Thường; Nghệ sỹ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Quách Thị Hồ…

Kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông là nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo, trong đó có các lãnh đạo cấp cao của Đài TNVN qua các thời kỳ sau này như nhà báo Lý Văn Sáu, Lê Quý, Phan Quang, Trần Mai Hạnh, Vũ Văn Hiền, Mai Thúc Long, Huỳnh Ngọc Ấn, Trần Quang Khải, Phan Văn Nho, Nguyễn Thị Kim Cúc, Lê Đình Đạo, Hoàng Minh Nguyệt, Đào Duy Hứa...

Trong xu thế số hóa, hội tụ công nghệ và đa phương tiện, Đài TNVN từ duy nhất một loại hình phát thanh, đến nay, đã kéo dài cánh sóng bằng các loại hình khác như: truyền hình, báo in, báo điện tử. Đài TNVN hiện là cơ quan báo chí duy nhất hội tụ đủ 4 loại hình báo chí, không ngừng phát triển vừa hiện đại hóa, vừa chuyên biệt hóa, phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng từ thành thị đến nông thôn. Hệ Phát thanh tiếng dân tộc và hệ Phát thanh đối ngoại của Đài TNVN là những kênh chuyên biệt phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ mới. Kênh giao thông quốc gia, Báo điện tử VOV.VN, Kênh truyền hình VOVTV, Kênh tin tức đô thị, Kênh tin tức tiếng Anh 24/7 đã và đang được triển khai hiệu quả trong chiến lược phát triển Đài TNVN tới năm 2020.

Nhà báo Trần Lâm, người dựng nghiệp PT-TH Việt Nam, một tiền bối của báo chí cách mạng Việt Nam, đã để lại một gia tài có giá trị lớn về nhiều mặt cho báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là một điển hình về nhiệt huyết cách mạng, liêm khiết, lòng yêu nghề, tư duy sáng tạo, khơi nguồn phát triển đội ngũ hùng hậu PT-TH cả nước. Nhà báo Trần Lâm mãi mãi là hình tượng tự hào của các thế hệ những người làm PT-TH Việt Nam. Nhà báo Trần Lâm - quá khứ không phải ở sau lưng mà luôn ở trước mặt./.

- Nhà báo Trần Lâm tên thật là Trần Quảng Vận, sinh ngày 5/1/1922, tại xã Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban PT-TH Việt Nam.

- Ông là một trong số ít người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ dựng nghiệp ngành phát thanh, dấu mốc là ngày 7/9/1945 - ngày Đài TNVN phát sóng chương trình đầu tiên.

- 25 năm sau, ngày 7/9/1970, cũng chính ông cùng cộng sự đã cho ra đời chương trình truyền hình đầu tiên - đánh dấu sự ra đời của Đài THVN ngày nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên