Nhà báo Trần Mai Hạnh và cơ duyên lịch sử ngày 30/4/1975
VOV.VN -Nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động nhớ lại thời khắc bài tường thuật của mình vang lên giữa cờ hoa
Đi suốt chiều dài chiến dịch Hồ Chí Minh (giải phóng Sài Gòn- Gia Định), các nhà báo chiến trường đã trải qua cuộc sống gian khổ, hiểm nguy như những người lính. Cho đến khi được trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử, bộ đội ta tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn thì các phóng viên chiến trường đã trở thành những nhân chứng quan trọng, ghi lại giây phút lịch sử thiêng liêng của dân tộc.
Có mặt tại Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hạnh của Việt Nam Thông tấn xã là người thực hiện bài tường thuật đầu tiên về sự kiện lịch sử này và thu thập được nhiều tư liệu quan trọng để sau này hoàn thành cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử về chiến tranh.
Nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam thông tấn xã do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu. Với nhiệm vụ thông tin về chiến dịch và làm việc với Thông tấn xã Giải Phóng để chuẩn bị mọi điều kiện cho tin tức khi Sài Gòn được giải phóng, Đoàn công tác đã bám sát các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào giải phóng các thị xã, thành phố, từ Huế đến Sài Gòn.
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại, trung tuần tháng 4/1975, Đoàn công tác đến được căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh, giáp biên giới Camphuchia. Tuy nhiên, trên đường đi, 1 trong 2 chiếc xe ô tô của đoàn bị hỏng. Tổng Biên tập Đào Tùng liền ký giấy bảo lãnh, mượn tiền Trung ương cục miền Nam để sang Campuchia mua 1 chiếc xe máy cho phóng viên đi.
Sáng sớm 29/4/1975, tại rừng Tây Ninh, nhà báo Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo được lệnh lên đường với chiếc xe máy đó, bằng mọi cách bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Trên đường đi, xe có lúc còn bị thủng lốp nên bị chậm, khoảng 11h45 phút trưa ngày 30/4, tức là 15 phút sau khi lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hạnh mới đến nơi.
Hối hả tìm hiểu các dữ kiện không thể thiếu cho bài tường thuật, trong đó có việc ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy quân giải phóng, nhà báo Trần Mai Hạnh không quên đi ra cảng Sài Gòn, nơi Bác Hồ từng ra đi tìm đường cứu nước để tìm hiểu không khí của ngày giải phóng Sài Gòn.
“Khung cảnh Bến cảng Sài Gòn lúc đó lúc đó rất là hoành tráng, không khí sôi sục. Những đoàn xe quân giải phóng tiến vào giải phóng bến cảng. Ở dưới sông rất nhiều tàu hải quân Mỹ. Trên bờ thì bà con cầm cờ đỏ sao vàng ùa ra, khung cảnh đó rất là hoành tráng, huy hoàng đúng nơi Bác ra đi. Sau đó tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thanh- một công nhân già về tình cảm của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giờ phút giải phóng. Sau khi lấy những tư liệu cơ bản, tôi về trụ sở của Việt Tấn xã, hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn, bên cạnh Dinh Độc Lập, tôi ngồi vào bàn viết ngay bài tường thuật. Khi tôi vừa đặt bút thì hình ảnh Bến Cảng Sài Gòn hoành tráng, sôi động hiện ra làm cho tôi có cảm xúc viết đầu đề bài báo là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng", đó chính là cái tên bài tường thuật”.
Khoảng 14h30 phút 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết xong bài tường thuật. Vì điều kiện liên lạc khó khăn nên lúc đó ông không ham viết dài; bài tường thuật chỉ gần 1.500 chữ, nhưng loay hoay không biết chuyển bài viết về Hà Nội bằng cách nào, khi chiếc điện đài 15 watt mang theo không thể với tới Hà Nội. Ông đành ngồi chờ ở trụ sở Việt Tấn xã, ngay sát Dinh Độc lập: “Tôi cứ loanh quanh ở trụ sở Việt Tấn xã để ngóng chờ các đồng chí điện báo viên của Thông tấn xã Giải Phóng đến để điện bài về. Đến chiều tối, các anh mới đến được vì xe thông tin đi phức tạp nên không đi nhanh được như xe máy, đến nơi các anh điện báo viên tìm chỗ đặt điện đài, căng ăngten, bắt liên lạc, tôi đưa bài tường thuật vào để truyền về. Sau này tôi mới biết là không phải điện bài về thẳng Hà Nội mà điện về trụ sở Thông tấn xã Giải phóng ở căn cứ rừng Tây Ninh, tối đó anh Phạm Vị cán bộ thư ký đi theo đoàn cứ xé từng đoạn một cho Tổng biên tập Đào Tùng biên tập lại rồi đưa cho điện báo tin dùng điện đài công suất lớn để chuyển ra Hà Nội nên rất mất thời gian”.
Ngày 1/5/1975, bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh được đăng trên bản tin “Đấu tranh thống nhất” của Việt Nam Thông tấn xã. Bản tin được phát cho các cơ quan báo chí ngay trong đêm 30/4 nhưng do đã quá khuya nên báo Nhân Dân số ra ngày 1/5 không kịp đăng mà phải đến sáng 2/5 mới đăng bài tường thuật với nhan đề được đổi lại là “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy”. Tuy nhiên, Bản tin Thời sự trưa 1/5 của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát bài tường thuật này.
Nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động nhớ lại thời khắc bài tường thuật của mình vang lên giữa cờ hoa, biển người trong trưa nắng đẹp chan hòa ở Sài Gòn vào ngày Quốc tế lao động đầu tiên khi đất nước thống nhất: “Kỷ niệm không thể nào quên được là khi tôi và phóng viên ảnh Văn Bảo đang đi trên xe com-măng-ca để chụp ảnh và ghi lại không khí Sài Gòn ngày đầu tiên giải phóng đúng ngày Quốc tế lao động 1/5. Trong không khí như thế, trước cửa Đinh Độc lập, buổi trưa ấy trên chiếc đài bán dẫn tôi mang theo vang lên nhạc hiệu của Đài TNVN. Trong bản tin đặc biệt của Đài TNVN chào mừng đất nước đã thống nhất, sau tin đọc của Thông tấn xã giải phóng về việc toàn bộ miền Nam đã được giải phóng, Đài trân trọng đọc bài tường thuật của tôi. Lúc đó chúng tôi mở đài hết cỡ và tôi rơi nước mắt; trong cuộc đời làm báo không bao giờ có được hạnh phúc lớn lao, xúc động đến thế”.
Sau khi hoàn thành bài tường thuật, nhà báo Trần Mai Hạnh đã đi trên nhiều tuyến phố Sài Gòn trong đêm đầu tiên giải phóng. Khi về đến Việt Tấn xã, ông còn gọi điện cho Sở Điện lực, Sở Cứu hỏa đô thành xem có mất điện hoặc xảy ra sự cố cháy nổ nào không và gọi điện cho Bệnh viện Từ Dũ để biết thông tin 8 cháu nhỏ chào đời trong đêm đầu tiên thành phố giải phóng, rồi mới ngủ thiếp đi.
Khoảng 2 tiếng sau tỉnh dậy, một ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong ông: những gì xảy ra ngay trước mắt tại Dinh Độc Lập hôm qua đã là quá khứ, đời người chỉ sống 1 lần và sự kiện lịch sử chỉ diễn ra 1 lần. Ý nghĩ này dẫn dắt, thôi thúc ông ghi lại tất cả những gì được chứng kiến, thu thập tư liệu để phục dựng lại một cách trung thực sự thật lịch sử.
Sáng 1/5, khi xin được Giấy công tác đặc biệt, nhà báo Trần Mai Hạnh được sự giúp đỡ của Ủy ban quân quản đã thu thập được nhiều tài liệu nguyên bản của chính quyền Sài Gòn làm tư liệu gốc giúp ông viết cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".
Nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự: “Tôi không có điều gì riêng tư gửi gắm trong cuốn sách này, nhưng cơ may đến, tôi được chứng kiến những giờ phút lịch sử và tôi được các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện giúp tôi tập hợp các tài liệu. Tôi không nghĩ là lịch sử giao cho mình viết cuốn sách mà do cơ may của lịch sử và những cơ duyên của cuộc sống. Nếu tôi không viết thì thấy mình sẽ nợ với đất nước. Vì vậy tôi cố gắng hoàn thành cuốn sách này”.
Bản thảo của cuốn sách từng được nhà báo Trần Mai Hạnh viết đi viết lại ở những thời điểm khác, trong tâm thế và soi rọi bằng những “ánh sáng” khác nhau sau những trải nghiệm, chiêm nghiệm trong cuộc đời. Cho đến tháng 4/2014, cuốn sách được xuất bản, được nhiều người đón đọc và hoan nghênh, cổ vũ. Sự đón nhận của đọc giả vì cuốn sách đã phản ánh một cái nhìn trung thực, công bằng và nhân văn về một giai đoạn lịch sử đau thương và hào hùng của nhân dân Việt Nam.
Giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn sách của nhà báo Trần Mai Hạnh được được đánh giá “là tư liệu lịch sử nhưng không chép lại với ý đồ giáo huấn và cũng không hàm ý về sự đắc thắng của người chiến thắng như sự báo thù chữ nghĩa thông qua các tư liệu rất khó lòng bác bỏ”. Đây là cuốn sách quý vì “không chèn các bình luận cá nhân. Nó phơi bày đương nhiên như lịch sử và lộ sáng những câu chuyện gần như giai thoại về một chính quyền bị xé rách trong một tương phản đầy quy mô giữa thắng và bại”./.