Nhà báo và tình yêu Trường Sa
VOV.VN - "Đến với Trường Sa không chỉ có tình yêu, mà còn là trách nhiệm lớn của đất liền, của những người làm báo hướng về "cột mốc thép" giữa trùng khơi... Đến với Trường Sa để cảm nhận sức mạnh mạch nguồn của dân tộc, để thêm yêu Tổ quốc…”. Đó là tâm sự của những nhà báo khi may mắn được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa"...
Nghề báo là nghề “xê dịch”, nghề gắn với những chuyến đi, là nghề lao vào vùng nguy hiểm, thử thách đòi hỏi sự dũng cảm, kiên nhẫn và tận tâm để vượt qua những khó khăn... Nhưng có lẽ đối với mỗi Nhà báo, được đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự lớn, luôn đọng lại những ấn tượng khó phai dù tác nghiệp ở đó không hề đơn giản.
20 ngày lênh đênh trên biển, vượt sóng to gió lớn, ước mơ của nhà báo Thu Sương (Báo Cần Thơ) được đặt chân tới quần đảo Trường Sa cũng thành hiện thực.
Nhớ lại hải trình tham gia cùng đoàn công tác trên tàu 571 vào cuối năm 2023, nhà báo Thu Sương vẫn tràn ngập cảm xúc: "Khi ra chốn trùng khơi thấy cảm phục và biết ơn đối với những người lính đã hy sinh tình riêng để thực hiện nhiệm vụ ở hải đảo. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ biên cương mà các anh thắt chặt thêm tình cảm quân dân, xây dựng các gia đình, trường học, y tế. Đó là đóng góp vô cùng phi thường của những người lính Trường Sa. Mình nghĩ suốt cuộc đời không thể quên được những ngày được đến nơi này, tình cảm đối với những người lính Trường Sa ngày càng được tô đẹp thêm".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Phụng, TP.HCM nói rằng: biết mình có tên trong danh sách đi Trường Sa vào cuối năm 2023, anh hồi hộp không ngủ được mấy đêm liền. Hạnh phúc có, lo lắng cũng có bởi lần đầu tiên đi biển 1 chuyến dài như vậy, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Phụng dành hẳn vài ngày để chuẩn bị hành lý mang theo, đặc biệt là máy ảnh với hy vọng sáng tác nhiều nhất về Trường Sa.
"Đây là lần đầu tiên mình đến với Trường Sa, mang cho mình rất nhiều cảm xúc và mình chụp rất là nhiều với góc nhìn của một nhiếp ảnh gia. Đến với Trường Sa lần này mình có rất nhiều ảnh đẹp và có cả một bộ sưu tập hình ảnh những người lính, những người dân vươn khơi bám biển, những người lính đang gìn giữ biển trời của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, trong lòng mỗi người dân Việt Nam thấy tự hào hơn, yêu Tổ quốc mình hơn", anh Nguyễn Phụng tâm sự.
Hình ảnh khiến "tay máy" Nguyễn Phụng xúc động là khi anh chụp ảnh các cháu bé trên đảo Song Tử Tây hay đảo Sinh Tồn. Những cô bé, cậu bé thời "không có 4.0" tung tăng, hồn nhiên vui chơi trên đảo. Khác với trẻ em ở đất liền đồ chơi là búp bê, rô bốt, điện thoại,... còn ở đây, làm bạn với các bé là cục san hô trôi dạt vào bờ, những vỏ ốc đủ màu sắc hay đơn giản là chiếc lá bàng vuông.
Cuối năm 2023, nhà báo Đức Thắng, Đài Phát Thanh-Truyền Hình Kon Tum có mặt trong hải trình hơn 20 ngày đến với Trường Sa. Đây là lần thứ hai nhà báo Đức Thắng vinh dự được tác nghiệp tại Trường Sa nhưng cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu.
Anh thổ lộ, có ra Trường Sa chứng kiến tận mắt ý chí, nghị lực phi thường của quân và dân trên đảo, mới thấy mình phải sống tích cực hơn và có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình. Cũng chính vì thế mà mỗi thước phim về Trường Sa của nhà báo Nông Thắng luôn chứa đựng niềm đam mê, tình cảm và trách nhiệm chính trị của người làm báo hướng về biển đảo thân yêu.
"Sau 5 năm quay trở lại giờ Trường Sa có nhiều thay đổi, đặc biệt là màu xanh đã phủ kín bởi những cây bàng vuông. Điều ấn tượng thứ hai là cuộc sống bình yên, đó là điều người dân Việt Nam mong mỏi về vùng biển đảo tiền tiêu Tổ quốc, nơi có những người dân sinh sống ở trên đảo và các cháu, các em có cuộc sống, có môi trường học tập thật tốt. Đó là những điều tôi sẽ truyền tải đến với người dân ở trên đất liền. Mỗi lần đến với Trường Sa đó là niềm tự hào của những người làm báo, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam", nhà báo Đức Thắng nói.
“Không xa đâu Trường Sa ơi”, đó không chỉ là câu hát mà còn là hành trình luôn được tiếp nối bởi các thế hệ người làm báo Việt Nam. Chia tay Trường Sa, nhưng nỗi nhớ luôn đong đầy với mỗi người làm báo: nhớ những người lính da sạm đen vì sóng gió, nhớ tiếng hô “xin thề” tại lễ chào cờ trên đảo, nhớ góc nhỏ của người lính biển đơn sơ, bình dị nhưng đong đầy tình yêu thương gia đình, đất liền và nhớ những giọt nước mắt lúc chia xa.
Nhớ lắm Trường Sa ơi!