Nhà đã xây nhưng không đảm bảo phòng cháy sẽ xử lý thế nào?
VOV.VN - Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sắp được trình Quốc hội xem xét thông qua đã thiết kế quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 14/8.
Không khắc phục được phải chuyển đổi công năng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, CNCH; quy định rõ thời gian khắc phục, nội dung và lộ trình cụ thể về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, CNCH ngay tại dự thảo luật để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định nội dung và lộ trình; ý kiến khác đề nghị giao UBND hoặc công an cấp tỉnh quy định nội dung và lộ trình khắc phục.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (Điều 58).
Cụ thể, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện việc phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý.
Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Luật cũng dự kiến giao hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có các công trình xây dựng không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phòng cháy và chữa cháy.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của các chủ thể được giao nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, thống nhất khi triển khai trên thực tiễn.
Cùng với đó giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc xử lý bảo đảm linh hoạt, khả thi khi triển khai thực hiện.
Phải xử lý kiên quyết
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng đây là một trong những nội dung mà Luật Phòng cháy, chữa cháy phải xử lý được. Ông cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy, qua rà soát đến thời điểm này số cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy so với tại thời điểm giám sát lại tăng lên.
Theo báo cáo của Bộ Công an, mới chỉ xử lý được 1.487/7.187 công trình ở 35 địa phương. Đối với các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng thì mới khắc phục được 2.964 công trình trên tổng số 11.007 công trình.
“Có những công trình không thể khắc phục được, ví dụ như nhà HH ở Linh Đàm, chục tòa nhà như thế bây giờ không biết khắc phục như thế nào. Chúng ta phải rất thực tế việc này thì mới có thể xử lý được và cần phải có một khoảng thời gian nhất định, bây giờ quy định chung chung thì không biết có khoảng thời gian nào để chúng ta xử lý” – ông Nguyễn Trường Giang nói.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh bây giờ phải có một thời hạn sau khi luật có hiệu lực để ít nhất khắc phục được một cách tối thiểu, nếu không sẽ dừng hoạt động đối với công trình này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khi kết luận phiên làm việc cũng nhấn mạnh ý kiến nên quy định khoảng thời gian để khắc phục các điều kiện tối thiểu của các công trình “lịch sử để lại” và cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này, vì mỗi công trình có tính chất, đặc thù khác nhau.
Dẫn câu chuyện ở Bắc Kinh, Trung Quốc quyết tâm giải tỏa, phá dỡ khu ổ chuột, chung cư cũ để làm làng đô thị, “làng trong phố”, ông cho rằng đó cũng là kinh nghiệm có thể tham khảo. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Thủ đô cho Hà Nội được phép cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm PCCC.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý với Chính phủ 2 vấn đề: Một là xử lý kiên quyết các công trình không đảm bảo PCCC do lịch sử để lại, có lộ trình. Thứ hai là ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cụ thể hơn. Rà soát bảo đảm yêu cầu không để luật khung, luật ống cũng như không để vướng mắc khi luật vào thực tiễn.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8/2024)”, theo ông Trần Quang Phương.