Nhà tái định cư bị bỏ hoang: Lãng phí do công tác quy hoạch
VOV.VN - Nhà tái định cư là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh nước ta đang phát triển kết cấu hạ tầng cũng như xây dựng bộ mặt đô thị rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần đánh giá lại tính hiệu quả để có những cách làm phù hợp, tránh gây lãng phí như hiện nay.
Trong khi nhiều người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chỗ ở, sống trong những căn nhà chật chội thì tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hàng nghìn căn hộ tái định cư lại đang bị bỏ hoang gây lãng phí trầm trọng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, nhà tái định cư là chủ trương đúng đắn trong bối cảnh nước ta đang phát triển kết cấu hạ tầng cũng như xây dựng bộ mặt đô thị rất mạnh mẽ, nhu cầu cần rất lớn các khu tái định cư, với yêu cầu đặt ra là các khu nhà ở này phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Một thống kê cho thấy tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, những nơi tấc đất tấc vàng nhưng lại có tới 14 nhìn chung cư tái định cư đang trong tình trạng bị bỏ hoang nhiều năm. Cụ thể thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 10.000 căn còn Hà Nội là khoảng 4.000 căn để không nhiều năm. Trong khi rất nhiều người dân không có nhà ở thì việc để hoang hàng chục nghìn căn hộ nền đất tái định cư là một nghịch lý.
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương có nhu cầu tái định cư rất lớn. Thế nhưng thực tế phần lớn các nhà tái định cư xây lên lại bỏ hoang hoặc xây dựng dang dở rồi bỏ đấy. Đây là điều hết sức vô lý.
“Nhìn vào những con số thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập, cũng như đang gây lãng phí tài nguyên đất đai và một nguồn ngân sách khổng lồ”, ông Điệp nhấn mạnh.
Nguyên nhân của thực trạng lãng phí này theo ông Điệp, bên cạnh chất lượng nhà kém, thì một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do phần lớn nhà tái định cư không có hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tốt, không đúng với nhu cầu nguyện vọng của người dân tái định cư. Mặc dù, theo quy định để phục vụ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, thành phố phải có sẵn quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra ông Điệp cũng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, cuộc sống của người dân khi tái định cư gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình sống tại các khu vực đông dân cư, họ đã có kế sinh nhai từ nhiều năm nay. Chính vì thế khi tái định cư ở khu vực mới, điều mà nhiều người lo lắng là thiếu chỗ buôn bán, làm ăn và một việc làm ổn định.
“Họ cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc đưa họ vào chung cư cao tầng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề kinh tế. Người dân buộc phải bán lại nhà tái định cư giá rẻ, thậm chí bỏ không để tìm một chỗ khác gắn với mặt đất để mưu sinh”.
Để hạn chế tình trạng nhà tái định cư bỏ không, trong khi người dân thiếu chỗ ở, theo ông Nguyễn Thế Điệp, cần có quy hoạch về việc xây dựng và phát triển các khu tái định cư có kết nối tốt về điện, nước, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp người dân yên tâm sinh sống trong những điều kiện tốt nhất.
Để giải bài toán nhà ở tái định cư, điều đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Phải xác định đúng vị trí xây dựng khu tái định cư, đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người tái định cư. Sau đó phải xác định đúng đối tượng tái định cư sao cho phù hợp với nhu cầu, thu nhập của mỗi người”, ông Điệp đề xuất.
Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các cơ sở tái định cư trong quy hoạch và phù hợp với các điều kiện cần thiết thì cũng cần linh hoạt các hình thức đền bù. Thay vì việc Nhà nước đầu tư tiền làm nhà tái định cư thì nên thanh toán cho dân một khung giá đền bù phù hợp để dân tự mua nhà thương mại thích hợp. Khi giao dịch theo cơ chế mua - bán rõ ràng chất lượng quản lý, dịch vụ cũng tương xứng hơn nhiều.
Ông Điệp cũng đề xuất, cần thực hiện đấu thầu công khai các dự án tái định cư để bảo đảm lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, chất lượng cao nhất, giá thành rẻ nhất đáp ứng các yêu cầu về tái định cư của người dân.
Hiện thành phố Hà Nội có kế hoạch sẽ dùng 224 tỷ đồng là khoản tiền từ ngân sách để hoàn thành và điều chỉnh một số tòa nhà đang dang dở, bỏ hoang thuộc dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, để chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho thuê. Giải pháp được thành phố kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ được dự án nghìn tỷ bỏ hoang và sau khi bán, cho thuê sẽ thu lại được tiền về cho ngân sách.
Ông Điệp cho rằng đây là một giải pháp tốt. Ông kỳ vọng nếu như được đầu tư để chỉnh trang, sửa sang lại và chuyển sang công năng nhà xã hội hoặc là đấu giá đấu thầu thì sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí chồng lãng phí và tạo cơ hội cho nhiều người dân có nhà ở.
Tuy nhiên ông Điệp khuyến cáo, khi chuyển đổi công năng nhà tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc nhà giá rẻ cho thuê cũng cần phải cải tạo, đáp ứng điều kiện hạ tầng, tiện ích thì người dân mới lựa chọn.
Giải quyết thực trạng lãng phí nhà tái định cư, dẫu là một bài toán khó nhưng rất cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, duy trì sự ổn định và tạo đà phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.