Nhân lực công nghệ thông tin: Cần cả lượng và chất

Trong khuôn khổ WITFOR 2009, các chuyên gia cùng cơ quan hữu trách và những người quan tâm đã ngồi lại bàn thảo giải pháp cho việc tạo nguồn  nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam

Thực tế đầy khó khăn

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) phần mềm Việt Nam (VINASA) đưa ra thông tin: chỉ có khoảng 10% - 15% trong số hàng chục ngàn SV ĐH ra trường đạt tiêu chuẩn có thể làm việc ngay, số còn lại phải đào tạo lại hoặc làm nghề khác. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng so với yêu cầu phát triển CNTT của Việt Nam.

Nguyên nhân mà ông Thắng đưa ra là do chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của nguồn lực CNTT. Nguồn nhân lực CNTT hiện có yếu về kỹ năng mềm và ngoại ngữ, đặc biệt thiếu trình độ chuyên môn cao, trong khi do nhiều nguyên nhân mà chất lượng đào tạo kém, không đạt yêu cầu và không đạt chuẩn quốc tế. Ông Thắng đưa ra một thực tế đáng lo ngại là ở thị trường CNTT nước ngoài thì DN CNTT VN chưa đủ năng lực cạnh tranh, còn ở thị trường CNTT trong nước thì lại chưa được đầu tư thích đáng.

Đúc kết từ nhiều năm cộng tác với các DN CNTT Nhật Bản, ông Bùi Trần Lượng – Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm Luvina cho biết, hình ảnh người lao động Việt Nam trong con mắt các doanh nhân Nhật Bản: nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu kiên nhẫn; thông minh nhưng thiếu tư duy hệ thống.… Ông Lượng đưa ra thông điệp đào tạo nhân lực của công ty: đào tạo khả năng tự học, tự tìm thông tin hơn là đào tạo kiến thức; người lao động cần làm việc chính xác, đúng hẹn chứ không phải chỉ nhanh nhẹn; thói quen giữ lời hứa; khả năng cẩn thận, tỷ mỉ trong từng thao tác, từ đó sẽ có các kỹ năng tinh xảo; đào tạo khả năng giao tiếp.v.v…

Không còn lợi thế của lao động giá rẻ

Tiềm năng nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá là rất lớn với hơn 60% dân số dưới 30 tuổi, tỷ lệ biết chữ cao, là lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, có trí tuệ. Giá lao động rẻ so với các quốc gia khác về gia công phần mềm như Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng giá lao động rẻ sẽ dần mất ưu thế cạnh tranh khi năng suất lao động không tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

“Lao động giá rẻ mà không làm được việc thì thuê 2 lao động rẻ sẽ đắt hơn 1 lao động trả lương cao”- ông Bùi Trần Lượng- Phó Tổng giám đốc Luvina

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ cả hai phía – người lao động trẻ và DN CNTT. Người lao động trẻ không rõ lộ trình phát triển nghề nghiệp của mình, không tập trung đầu tư cho tương lai bằng công việc chuyên môn, học hỏi quản lý và giao tiếp, không nhìn vượt quá quan hệ của mình với công ty, ít khi đạt đến tầm tư duy phát triển ngành CNTT và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trong khi đó, một số công ty thì tư duy quản lý thiếu chuyên nghiệp, không khuyến khích sáng tạo..., khiến người lao động không mấy mặn mà cống hiến và không có điều kiện phát triển. Giữa các công ty lại tồn tại cạnh tranh không lành mạnh cả về kinh doanh và nhân lực, nên cũng thiếu luôn sự cộng tác trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT chung của ngành.

Thiếu môi trường để phát triển, người lao động không tích lũy được kỹ năng, cũng mất cơ hội phấn đấu phát triển ngang bằng với các đồng nghiệp thế giới. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm Việt quốc tế (Vietsofware International), cho rằng, để phát triển nhân lực CNTT đủ tinh và lượng để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và hội nhập, thì nhất định phải tránh những “sai lầm” nói trên. Ông Tùng còn cho biết, các công ty nước ngoài thường sử dụng người lao động theo nhóm, theo từng dự án, chứ không phải cá nhân đơn lẻ. Một cá nhân giỏi chưa chắc đã đạt hiệu quả cao trong công việc. Việc đào tạo người lao động có kỹ năng làm việc theo nhóm cũng hết sức quan trọng.

Chiến lược tham vọng

Việt Nam hiện có 230 trường ĐH, CĐ có đào tạo về CNTT với 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm, trong khi nhu cầu nhân lực về CNTT trong xã hội vẫn tăng đều đặn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT, vì thế, phải gắn kết chặt chẽ với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam. Việc đào tạo này phải theo hướng hội nhập, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đồng thời lấy năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động của người học sau khi tốt nghiệp làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm căn cứ đánh giá kết quả, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01/6/2009, một mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra trong thời gian ngắn. Đó là, Việt Nam phấn đấu sau 10 năm nữa trở thành Trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT quốc tế. Từ 2009 đến 2015 cung cấp thêm 250,000 người chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông, trong đó có 50% lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Đến năm 2020, trên 90% giảng viên đại học và trên 70% GV cao đẳng về CNTT có trình độ Thạc sỹ trở lên, trên 30% có trình độ Tiến sỹ. Đồng thời, phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, sao cho đa số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo ứng dụng CNTT trong công việc của mình. 

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực CNTT, phải thực hiện triệt để “Kế hoạch phát triển nguồn CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, trong đó cần chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, qui trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT.  Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải thực hiện một số các giải pháp phối hợp cùng với đẩy mạnh việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và chương trình phát triển công nghiệp nội dung số, ứng dụng CNTT trong các Cơ quan Nhà nước.

Thực hiện được vấn đề này chính là biện pháp hữu hiệu khẳng định khả năng cạnh tranh của nhân lực CNTT VN trong khu vực và trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên