Nhân viên gác chắn đau bụng, tàu dừng khẩn cấp ở đường ngang
Lúc 3h15 ngày 15/6, tàu hàng AH2 phải dừng khẩn cấp tại đường ngang trên do nhân viên gác chắn chưa quay biển đỏ khai thông đường sắt.
Ngày 16/6, tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các đơn vị đường sắt vừa báo cáo nguyên nhân vụ tàu hàng AH2 phải dừng khẩn cấp tại chắn đường ngang khu vực giữa hai ga Minh Lễ - Lệ Sơn (Quảng Bình).
Chờ tàu tới, đau bụng đột xuất
Theo báo cáo, lúc 3h15 ngày 15/6, tàu hàng AH2 phải dừng khẩn cấp tại đường ngang trên do nhân viên gác chắn chưa quay biển đỏ khai thông đường sắt.
Vụ tàu tông xe tải ở Thanh Hóa ngày 24/5 làm hai người chết và nhiều người bị thương - Ảnh: T.L. |
Theo qui định, khi biển đỏ tại đường ngang được quay sẽ báo hiệu cho lái tàu biết đường ngang đã được khai thông mà không có chướng ngại vật và chắn được đóng xong. Nếu biển đỏ chưa được quay, lái tàu phải quan sát và cho tàu dừng khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Theo giải trình của bà T.T.T.H, nhân viên gác chắn đường ngang trên, sau khi nhân viên trực ban chạy tàu ga Lệ Sơn (Quảng Bình) báo giờ tàu AH2 chạy qua, nhân viên này đã đóng chắn đường ngang nhưng chưa quay biển đỏ báo hiệu cho lái tàu được phép chạy qua.
Trong quá trình chờ tàu tới, bà H. đau bụng đột xuất nên đã vào chòi chắn đi vệ sinh.
Được một lúc, nghe tiếng còi tàu chạy tới, nhân viên gác chắn chạy ra để quay biển đỏ khai thông đường sắt nhưng không kịp. Lúc này, lái tàu hàng AH2 nhận thấy biển đỏ chưa quay đã cho tàu hãm khẩn cấp vẫn không kịp. Sự việc này làm tàu hàng va chạm làm hư hỏng biển đỏ.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 6/2018 đã xảy ra 3 vụ nhân viên gác chắn quay biển đỏ và đóng chắn chậm uy hiếp an toàn chạy tàu.
Cụ thể, ngày 5/6, tàu khách SE3 phải hãm khẩn cấp do nhân viên gác chắn ở khu vực giữa hai ga Hương Phố - Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đóng chắn chậm.
Đến ngày 10/6, tàu SP4 cũng va vào biển đỏ khi chắn đường ngang ga Hương Lại - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chưa được đóng. Cũng vào ngày 10/6, tàu SH3 cũng dừng lại khẩn cấp do nhân viên đường ngang ở ga Phủ Lý - Bình Lục (Hà Nam) đóng chắn chậm.
Cơ chế đóng chắn: chưa có tính liên kết
Theo một cán bộ đường sắt, hiện nay cơ chế báo tàu qua gác chắn được liên lạc trực tiếp từ trực ban chạy tàu ga và nhân viên gác chắn.
Theo qui trình, khi nhận được thời gian báo tàu qua chắn, nhân viên gác chắn phải tiến hành đóng chắn đồng thời quay biển đỏ trên đường ngang báo hiệu cho lái tàu nhận biết được thông qua.
Theo qui trình,chắn đường ngang đóng xong, biển đỏ này sẽ quay vào trong báo hiệu tàu được thông qua - Ảnh: Đức Phú |
Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đóng chắn và biển đỏ quay vẫn chưa có tính liên kết. Cụ thể, nhân viên đường sắt có thể lơ là, thiếu trách nhiệm dẫn tới việc quay biển đỏ khai thông đường sắt trước mà chậm đóng chắn hoặc không đóng chắn.
Mặt khác, hiện nhiều đường ngang có người gác vẫn chưa có thiết bị cảm biến báo tàu đến gần, hỗ trợ cho nhân viên đường ngang biết chính xác thời gian tàu đến chắn.
Do đó, dù đã nhận lệnh đóng chắn, nhưng nhân viên các gác chắn đường ngang vẫn phải "ngóng" tàu tới để hạ chắn. Tuy nhiên, tàu đến chắn nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có tốc độ.
Trong báo cáo đánh giá các vụ tai nạn gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận ra điểm bất cập này bởi vẫn có tình trạng nhân viên lơ là, tùy tiện cắt xén qui trình quay sẵn biển đỏ đường ngang cho tàu qua mà không ra quan sát khu vực đường ngang chuẩn bị đón tàu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị các phòng ban nghiên cứu lắp đặt tính liên kết giữa biển đỏ quay và cần chắn theo nguyên lí: khi đóng dàn chắn, cần chắn xong mới mở được biển đỏ quay khai thông đường sắt nhằm đảm bảo an toàn./.
Tổng kiểm tra toàn diện nhân viên đường sắt sau 4 vụ lật tàu
Nóng 24h: Tạm giam 2 nhân viên gác chắn trong vụ tai nạn lật tàu hỏa