Nhật Bản hỗ trợ 1,5 triệu USD hỗ trợ tài chính người nghèo

Với khoản viện trợ này, các tổ chức là đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ đào tạo cán bộ và vốn đối ứng, giúp họ cung cấp được các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại và đa dạng

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam hôm nay (19/10) đã ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 1,5 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm giúp Việt Nam đưa các chương trình tài chính vi mô thiếu quản lý vào khuôn khổ chính thức, thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ và tăng cường hỗ trợ tài chính cho người nghèo.  

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Minh Tuấn; ông Tomohiro Fujiyama, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản và các quan chức cấp cao khác của Chính phủ đã chứng kiến buổi lễ ký kết này.  

Hiện nay, tài chính vi mô chủ yếu là các chương trình trợ cấp của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách Xã hội thuộc sở hữu nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, những chương trình này chỉ cung cấp các dịch vụ với phạm vi hạn chế và khó đáp ứng các nhu cầu tài chính thực sự của người nghèo. Cùng với đó, sự phát triển của các nhà cung cấp không chính thức bị hạn chế bởi họ không có khả năng huy động được các khoản tiết kiệm lớn. Điều này là do họ thiếu năng lực để tuân thủ theo các qui định nhằm tự đưa mình thành các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi. 

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB cho biết: “Khoản hỗ trợ này là một bước tiến trong việc thực hiện thực sự khung pháp lý mới về tài chính vi mô, cho phép các nhà cung cấp không chính thức bước vào khu vực có sự quản lý nhằm làm cho ngành dịch vụ này đa dạng hơn, có khả năng tồn tại hơn và bền vững hơn”. 

Với khoản viện trợ này, các tổ chức là đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ đào tạo cán bộ và vốn đối ứng, giúp họ cung cấp được các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại và đa dạng. Sự hỗ trợ này sẽ giúp cho các chương trình tài chính vi mô củng cố các hệ thống thông tin, cải thiện năng lực hoạt động, đưa ra các sản phẩm sáng tạo vì người nghèo và mở rộng phạm vi hoạt động của các chi nhánh. Các chương trình tài chính vi mô với nhiều bên góp vốn, cũng như của các nhà cung cấp thuộc sở hữu tư nhân có cam kết xã hội mạnh mẽ sẽ là đối tượng ưu tiên của khoản hỗ trợ này. Ngoài ra, các cán bộ chính phủ có liên quan chủ chốt cũng sẽ có cơ hội để nâng cao nhận thức về thực tiễn hoạt động tài chính vi mô hiện đại và sự tiến bộ của hoạt động này so với các chương trình tín dụng truyền thống do nhà nước cấp vốn. 

Khoản hỗ trợ này sẽ được thực hiện trong hai năm, với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thực thi. Chính phủ sẽ cung cấp nguồn vốn đối ứng tương đương khoảng 150.000 USD, các tổ chức tài chính vi mô tham gia chương trình sẽ cung cấp nguồn tài chính tương ứng trị giá 800.000 USD, góp phần tăng tổng nguồn tài chính của chương trình lên 2,45 triệu USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên