Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam

Dự kiến trong năm 2012 sẽ tiến hành tuyển chọn và đào tạo và 2013 sẽ đưa sang Nhật.  

Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản rất lớn, với trên 100.000 thực tập sinh nước ngoài mỗi năm. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 18.000 thực tập sinh đang làm việc trong các ngành nghề tại Nhật Bản với mức lương thấp nhất là 1.000 USD/tháng.

Không chỉ tiếp nhận tu nghiệp sinh ở những ngành nghề truyền thống, lần đầu tiên Nhật Bản tiếp nhận y tá và hộ lý (điều dưỡng viên) Việt Nam sang tu nghiệp trong thời gian tới. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Điều dưỡng viên chăm sóc cho bệnh nhân

PV: Thưa ông, căn cứ vào điều kiện nào để Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam sang tu nghiệp sinh trong thời gian tới?

Ông Lê Văn Thanh: Hiện nay, dân số Nhật Bản đang già đi, cho nên nhu cầu tiếp nhận y tá và điều dưỡng rất cao. Vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản đã ký văn kiện thỏa thuận về cơ chế đưa y tá, hộ lý nay gọi là điều dưỡng từ Việt Nam sang Nhật Bản nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật Bản. Tuy vậy, yêu cầu của Nhật Bản đối với y tá và hộ lý rất cao và khắt khe. Vì vậy, việc đàm phán đã phải kéo dài và chúng ta phải hoàn tất rất nhiều thủ tục mới đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản.

Muốn tham gia chương trình này đòi hỏi người điều dưỡng phải có trình độ nhất định. Đó là người phải tốt nghiệp cao đẳng y tế hệ 3 năm, đại học hệ 4 năm về điều dưỡng. Thứ 2 phải là những người đó phải có chứng chỉ quốc gia theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2011. Thứ 3 phải có trình độ tiếng Nhật. Thứ 4, phải có kinh nghiệm 2 năm trở lên.

Sang Nhật Bản làm việc phải hiểu phong tục, tập quán văn hóa của Nhật; quy định pháp luật của Nhật Bản đối với ngành nghề mà mình tham gia… Đặc biệt, đối với ngành chăm sóc, điều dưỡng, chủ yếu là chăm sóc người già, người bệnh nên càng đỏi hỏi người tham gia phải có tính chăm chỉ, cần mẫn và yêu công việc này.

PV: Mặc dù phía Nhật Bản đưa ra những tiêu chí được coi là khắt khe, nhưng nếu được tham gia chương trình này, tu nghiệp sinh sẽ có những cơ hội như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Văn kiện được ký tạo cơ hội cho người Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản về ngành nghề điều dưỡng và hộ lý. Về số lượng hiện nay chưa quy định cụ thể, nhưng chắc chắn nhu cầu rất lớn, phụ thuộc vào khả năng của chúng ta.

Những ứng viên sang Nhật Bản làm việc trong thời gian 3-4 năm. Trong thời gian này, họ được tham gia một kỳ thi quốc gia của Nhật Bản. Nếu đỗ thì họ có chứng chỉ quốc gia, sẽ được cấp phép hành nghề và trở thành y tá, điều dưỡng viên chính thức của Nhật Bản, được làm việc tại Nhật không thời hạn.

Thu nhập của người Việt Nam tại Nhật Bản bình quân thấp nhất là 1.000 USD/tháng. Có người thu nhập 2.000-3.000 USD/tháng.

Bản thân chủ sử dụng Nhật Bản rất yêu quý tu nghiệp sinh nước ngoài nói chung, đặc biệt là tu nghiệp sinh Việt Nam nói riêng. Cho nên họ chăm lo cả về đời sống, điều kiện làm việc và bảo hiểm y tế rất tốt. Có thể coi đó là tiềm năng rất lớn cho người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.

PV: Cũng như nhiều chương trình tuyển lao động khác, người muốn tham gia chương trình này cũng băn khoăn không biết phải nộp đơn ở đâu và làm những thủ tục cần thiết gì để tránh bị lừa, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Chương trình đưa y tá, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản hiện nay đã kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục phải đàm phán để đi đến có những văn bản và quy định chi tiết về việc đưa đi như thế nào và cơ chế đưa cụ thể ra sao. Việc này, chúng ta đã thỏa thuận với Nhật Bản và phía Nhật Bản cũng có một cơ quan điều phối và Việt Nam cũng có một cơ quan điều phối.

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để chỉ định xem cơ quan nào. Vì vậy, những người muốn tham gia chương trình này phải tìm hiểu kỹ thông tin, đồng thời phải liên hệ với các cơ quan đã được chỉ định của Việt Nam. Đừng nghe qua những công ty, môi giới. Tốt nhất là thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam, cụ thể là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bộ Công thương.

Dự kiến trong năm 2012 sẽ tiến hành tuyển chọn và đào tạo và 2013 sẽ đưa sang Nhật.

Đối với Quản lý lao động ngoài nước là cơ quan quản lý Nhà nước thì tiếp tục hợp tác với Nhật Bản để thúc đẩy việc tăng cường tiếp nhận; đôn đốc và chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng thực tập sinh. Nâng cao chất lượng ở đây cả về tay nghề chuyên môn, về tính kỷ luật và trình độ tiếng Nhật.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên