Nhiều căn nhà ở Cần Thơ trôi sông do sạt lở nghiêm trọng
VOV.VN -Tại nhiều quận, huyện của Cần Thơ xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm nhiều căn nhà bị trôi sông, một số tuyến đường giao thông bị nhấn chìm.
Tính từ đầu năm đến nay, tại thành phố Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, làm trôi sông 4 căn nhà của các hộ dân ở quận Cái Răng, huyện Phong Điền và quận Ô Môn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, TP đã xảy ra 9 vụ sạt lở nghiêm trọng, làm trôi sông 4 căn nhà của người dân và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã bị nước cuốn trôi, ảnh hưởng tới sinh hoạt và đi lại của người dân. Hiện tại nhiều quận, huyện đang có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới, đặc biệt là địa bàn quận Ô Môn.
Đường giao thông nông thôn của người dân bị cuốn trôi |
Vừa qua, tại quận Ô Môn xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng làm một cây xăng bị nước cuốn trôi và một tuyến đường giao thông bị nhấn chìm. Trước đó, ngày 28/5 cây xăng của gia đình bà Bành Thị Ánh Hồng khu vực Thới Phong, phường Thới An bất ngờ đổ sập xuống sông.
Bà Hồng cho biết, trước đó 1 ngày, căn nhà và cửa hàng bán xăng dầu của gia đình có xuất hiện vết nứt dài nên gia đình đã khẩn trương di chuyển đồ ra bên ngoài. Đến ngày hôm sau thì xảy ra sự cố trên, hàng hóa bị nước cuốn trôi ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 200 triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn sạt lở này có chiều dài gần 30m và ăn sâu vào bờ hơn 5m, xuất hiện những dòng nước xoáy và chảy mạnh, độ sâu bên dưới hơn 15m.
Là hàng xóm ở kế bên khu vực cây xăng vừa bị nước cuốn trôi, ông Võ Hồng Đức, 75 tuổi cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây nhiều thế hệ nhưng chưa bao giờ thấy sạt lở lại nghiêm trọng như hiện nay. Căn nhà của gia đình ông cũng đang có hiện tượng nghiêng về phía bờ sông, giờ tất cả mọi sinh hoạt của gia đình được chuyển ra phía trước vì cũng chưa biết khi nào căn nhà sẽ bị đổ sập xuống sông.
“Bây giờ, tôi thấy nó sắp lở tới, phải lo kiếm chỗ khác để cất nhà lại. Sợ bây giờ không dám ngủ ở nhà, ban đêm mà nó lở tới nữa mà mấy đứa cháu nhỏ chạy ra không kịp thì nguy hiểm đến tính mạng”- ông Võ Hồng Đức nói.
Đoạn đường trước nhà ông Cao Văn Lăng bị sạt lở nghiêm trọng |
Cách đó không xa tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, đoạn ngã 3 rạch Tầm Vu chảy ra sông Ô Môn cũng xảy ra trường hợp sạt lở làm một tuyến đường giao thông bị cắt đứt, ăn sâu vào phía trong ngôi nhà của gia đình ông Cao Văn Lăng. Đây là đợt sạt lở thứ 3 kể từ khi gia đình ông sinh sống ở khu vực này, đợt sạt lở lần này nghiêm trọng nhất.
Cách đây hơn 4 năm gia đính ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khắc phục sạt lở trước nhà nhưng được vài tháng thì tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng hơn, chỗ sạt lở có vòng xoáy và sâu hơn 10m.
Đoạn sạt lở phía trước là tuyến giao thông nông thôn phục vụ đi lại của hàng trăm hộ dân. Hiện tại, người dân ở khu vực này đang rất vất vả vì phải lưu thông qua con hẻm để đi ra đường lớn, vì khu vực sạt lở là tuyến đường đi lại chính của người dân.
Cây xăng đã bị nước cuốn trôi |
Địa bàn quận Ô Môn đang là trọng điểm về sạt lở, có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều hô dân. Ông Tống Huy Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng quận Ô Môn cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 30 điểm sạt lở lớn nhỏ với tổng chiều dài 3.000m, thời gian qua đã xảy ra 4 vụ sạt lở nghiêm trọng ở phường Thới Hòa và Thới An.
Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, Quận đã bố trí khoảng 3 tỷ để khắc phục một số điểm sạt lở, hỗ trợ di dời đồ đạc cho người dân…Về lâu về dài sẽ kiến nghị bổ sung kinh phí xây dựng bờ kè để đảm bảo tính mạng và tài sản của các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Tống Huy Hoàng cho biết thêm: “Thời gian gần đây, trên quận Ô Môn tiếp tục phát hiện 4 điểm sạt lở, nhìn chung các điểm sạt lở không ảnh hưởng lớn đến cơ sỏ vật chất, cũng như con người. Quận mô Môn cũng thường xuyên đi kiểm tra các dấu hiệu sạt lở, cũng như xây dựng kế hoạch đưa bà con lên những điểm an toàn”.
Sạt lở gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân |
Tuy mới bắt đầu mùa mưa nhưng tình hình sạt lở ở Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL có đang diễn biến nghiêm trọng, nhiều căn nhà của người dân đã bị cuốn trôi, gây ảnh hưởng tới tính mạng và sinh kế của người dân. Biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác cát bừa bãi thời gian qua đã tác động không nhỏ đến quy luật tự nhiên, dòng chảy, làm cho sạt lở ngày càng trầm trọng.
Trước tình hình sạt lở như hiện nay, các địa phương cần có những giải pháp căn cơ, kịp thời để đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao./.
Sạt lở liên tục, Đồng Tháp lập phương án di dời dân vùng sạt lở
An Giang: Dân lo sạt lở, chính quyền lại cho phép khai thác cát