Nhiều cây xăng ở nội thành thiếu an toàn
(VOV) - Các đại biểu HĐND bày tỏ sự quan ngại về khả năng PCCC tại các cây xăng và chung cư.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội hôm nay (5/7), Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, năm 2011 có 246 vụ cháy nổ, năm 2012 giảm xuống còn 197 vụ. 6 tháng đầu năm 2013 giảm 49 vụ cháy nổ so với cùng kỳ năm ngoái, giảm thiệt hại 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn thường xuyên có nhiều diễn biến phức tạp, xoay quanh ba nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất, thời tiết làm gia tăng các vụ cháy nổ; Thứ hai là một số cán bộ cấp cơ sở và người dân ý thức chưa cao và cũng chưa đủ hiểu biết về công tác phòng chống cháy nổ; Thứ ba là lãnh đạo của một số cơ sở coi nhẹ công tác PCCC.
Hiện trường vụ cháy cây xăng ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội (Ảnh: Việt Đức) |
Trả lời chất vấn của ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội về vấn đề: Qua kiểm tra 52 địa điểm kinh doanh xăng dầu trong nội thành Hà Nội thì có đến 60% các cây xăng không đảm bảo an toàn. Vậy số cây xăng ấy đã được xử lý, đình chỉ hoạt động chưa?
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Thành phố đã có quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa, ngoài mạng lưới này còn phải tiếp tục phát triển để phục vụ đời sống của nhân dân. Nhiều cửa hàng xây dựng cách đây chừng 30 năm, nếu theo quy định 7 là cửa hàng phải đạt diện tích 300m2 thì tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu nội đô không thể đáp ứng được yêu cầu”, ông Sơn cho hay.
Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Cao Minh, qua công tác kiểm tra, giám sát thì các cơ quan chức năng của thành phố đã đình chỉ được bao nhiêu cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo an toàn?
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay: “Năm 2012, Sở Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, phát hiện khắc phục 23.568 tồn tại thiếu xót trong PCCC của các cơ sở, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoạt động 2 cơ sở, đình chỉ 1 cơ sở, khởi tố 1 cơ sở”.
Theo Đại tá Sơn, việc xử lý dứt điểm thực trạng với những cây xăng thiếu an toàn trong nội thành vẫn đang được Sở Cảnh sát PCCC và các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện.
“Thực tế là cũng có những khó khăn cần phải tìm cơ chế giải quyết, thí dụ khoảng cách an toàn trước đây quy định là 50m, quy định bây giờ là 100m thì có sự khác biệt, cho nên liên ngành sẽ có nghiên cứu và đề xuất TP các biện pháp xử lý. Với những cửa hàng có thể khắc phục được về khoảng cách, hoặc biện pháp kỹ thuật PCCC thì tiếp tục hoạt động, nếu không thì dứt khoát phải di chuyển”, Đại tá Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu: Người dân rất lo lắng về khả năng chữa cháy tại các khu chung cư cao tầng, do những trang thiết bị bỗ trí tại chỗ không thể đáp ứng được yêu cầu. Vậy nguyên nhân do khâu thiết kế hay thẩm định? Trách nhiệm của địa phương thế nào? Chữa cháy chung cư cao tầng đáp ứng được độ cao thế nào, và với các tòa nhà quá cao thì làm thế nào?
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay, hiện nay lực lượng PCCC Thủ đô mới có 5 xe thang 52m, và 8 xe thang 32m, nếu tính độ cao thì đúng là xe thang còn thấp. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu khi xây dựng nhà cao tầng thì quy trình bắt buộc là phải có thiết bị PCCC tại chỗ, cầu thang thoát nạn (làm bằng vật liệu chống cháy), cửa thoát hiểm chống cháy, đảm bảo an toàn lửa không xâm nhập được vào khu vực đó.
“Nếu các thiết bị PCCC đã cũ và không đảm bảo thì chủ đầu tư có trách nhiệm thay thế để đảm bảo, còn khi xảy ra cháy nổ thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người gây ra, tiếp theo là trách nhiệm gián tiếp của các đơn vị liên quan”, ông Sơn nói.
Đại biểu Đặng Đình An đặt câu hỏi, TP có khả năng trang bị trực thăng chữa cháy không? Đại tá Sơn cho hay: “Trong tương lai khi kinh phí của thành phố cho phép thì có thể tính tới việc sử dụng máy bay trực thăng, tuy nhiên máy bay thường sử dụng vào công tác cứu hộ chứ không phải để chữa cháy, vì ở đó nhiệt rất cao và nhiều khói nên sử dụng máy bay chữa cháy khó đạt hiệu quả, ngay cả những nước phát triển như Mỹ cũng không dùng trực thăng chữa cháy”./.