Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động chất lượng cao trong năm tới
VOV.VN -Lao động ngành y, bác sỹ, y tá hiện nay rất nhiều nước đang thiếu và có nhu cầu nhận lao động từ Việt Nam.
Năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với xuất khẩu lao động của nước ta. Cùng với nguyên nhân khách quan thì việc khắc phục những hạn chế, bất cập từ nội tại trong xuất khẩu lao động chưa hiệu quả.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về nội dung này và những dự báo về cơ hội cho người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2014.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước |
PV: Thưa ông, chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm nay liệu có về đích theo kế hoạch đặt ra không?.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Năm nay và những năm vừa qua, đều là những năm rất khó khăn cho ngành xuất khẩu lao động. Kinh tế thế giới đã qua khủng hoảng nhưng chưa phục hồi một cách vững chắc, cho nên nhu cầu lao động còn thấp. Tuy nhiên, cũng có một số nước, nhu cầu lao động cũng cao nên chúng ta cũng thực hiện được kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm.
Riêng Đài Loan (Trung Quốc), cho đến hết 11 tháng chúng ta đã đưa được trên 41.000 lao động đi làm việc, chiếm một nửa chỉ tiêu. Bên cạnh đó là một số nước khác nữa. Sơ bộ đến giờ, chúng tôi có thể đánh giá chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch.
Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn. Khách quan thì kinh tế thế giới trầm lắng, nhu cầu lao động còn thấp; nhưng chủ quan cũng còn khó khăn như chất lượng nguồn lao động của chúng ta, đặc biệt trong ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật.
Ví dụ, như thị trường Hàn Quốc, năm vừa qua, chúng ta đã phải rất vất vả, thực hiện nhiều biện pháp để có thể chấn chỉnh những tồn tại, tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc; đặc biệt là biện pháp thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 95 và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử phạt đối với người lao động vi phạm hợp đồng ở nước ngoài. Riêng thị trường Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm ký Quỹ đối với người lao động trước khi đi.
Với những biện pháp như vậy, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc đã giảm xuống một cách đáng kể và đang có xu hướng giảm tiếp. Chúng tôi tin rằng, chúng ta có thể nối lại thỏa thuận để tiếp tục đưa lao động mới sang Hàn Quốc.
Các ứng viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật để được lựa chọn sang Nhật làm việc trong lĩnh vực y tế |
PV: Theo ông, trong năm 2014, những thị trường nào sẽ là cơ hội cho người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Chúng ta có nhiều cơ hội trong năm tới. Ví dụ, Đài Loan (Trung Quốc) có nhu cầu nhận lao động của chúng ta là rất lớn. Đối với Hàn Quốc, nếu chúng ta thống nhất được với bạn thì số lượng lao động sang cũng rất đáng kể. Malaysia chúng ta vẫn đang đưa đi.
Đặc biệt là Trung Đông và châu Phi, hiện nay có nhiều công ty các nước thứ 3 (các công ty lớn của các nước phát triển) nhận thầu của khu vực này, đã đặt vấn đề với chúng ta để tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại các công trình mà họ nhận thầu. Chúng tôi thấy rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và với những biện pháp chúng ta đang thực hiện thì sẽ có những bước tiến cho sang năm.
PV: Một trong những mục tiêu mà ngành xuất khẩu lao động Việt Nam đang hướng tới là đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài, như y tá và điều dưỡng viên, vậy công tác đào tạo, tuyển dụng đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Nói chung lao động ngành y, bác sỹ, y tá và đặc biệt là điều dưỡng viên, hiện nay rất nhiều nước đang thiếu, có nhu cầu muốn nhận từ Việt Nam.
Trong ngành hộ lý và y tá, ngoài ngôn ngữ là quan trọng thì còn có những tiêu chuẩn về chuyên môn mà 2 nước đã thỏa thuận. Nhật Bản năm ngoái đã nhận 150 y tá, điều dưỡng viên, năm nay 180 người và đang phấn đấu để các năm tới sẽ tăng lên.
Ngoài Nhật Bản, chúng ta cũng đã hợp tác với Đức. Vừa rồi cũng đã đào tạo 100 điều dưỡng viên, dạy tiếng Đức xong và đã sang Đức. Chúng tôi cũng đang bàn với Đức để tiếp tục trong những năm tới. Chúng tôi cho rằng, sau khi làm với Nhật, với Đức thành công thì sẽ mở ra hướng phát triển được nhiều.
Tuy nhiên, để có thể làm việc được trong ngành y, cụ thể là trong ngành điều dưỡng tại các nước, đòi hỏi các điều kiện rất chặt chẽ, bởi đây là ngành liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe con người, lại là những người già và có bệnh tật, cho nên tiêu chuẩn rất khắt khe.
Cho đến nay, về đào tạo chuyên môn thì chúng ta cũng đã đào tạo tốt và có nhiều người đã học trong ngành y, hay là những người đã học trong ngành công nghệ cao khác mà nước ngoài có nhu cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng được theo tiêu chuẩn của các nước đó về mặt chuyên môn, chúng ta cũng phải đào tạo theo yêu cầu của nước họ.
Sau thí điểm tập trung như thế này, ngành lao động sẽ xem xét mở rộng và có thể sẽ có nhiều hình thức khác nhau, để đưa lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn ông./.