Nhiều khó khăn trước thềm năm học mới ở Bình Dương
VOV.VN - Ngành giáo dục của Bình Dương tiếp tục đối mặt với thực trạng thiếu trường, thiếu lớp năm học 2023-2024. Không chỉ vậy, địa phương còn thiếu giáo viên giảng dạy ở các cấp.
Cơ sở vật chất được đầu tư nhưng vẫn thiếu
Năm học 2023-2024, Bình Dương có 548.000 học sinh. So với năm học trước, tăng trên 37.000 học sinh, chủ yếu là ở khối công lập với hơn 23.000 em. Trong đó, thành phố Tân Uyên, thành phố Thuận An và thị xã Bến Cát có số lượng học sinh tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, Bình Dương đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 15 trường, nâng tổng số trường học lên 732 trường. Cụ thể, mầm non 439 trường, tiểu học 163 trường, THCS 90 trường, THPT 39 trường.
Mặc dù, Bình Dương ưu tiên quỹ đất, ngân sách xây trường, nhưng vẫn không “đua kịp” với tốc độ học sinh tăng. Chính bởi vậy, nhiều trường không bố trí được bán trú, thậm chí phải phân luồng học sinh ở địa bàn "nóng" sang địa bàn "nguội". Nhiều trường không đủ lớp học nên phải "nhồi" học sinh vào lớp với sĩ số vượt cao so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt là công nhân, lao động rất lo lắng.
Ông Lê Văn Hựu, phụ huynh học sinh ở Thuận An, tỉnh Bình Dương bày tỏ: “Là phụ huynh chúng tôi rất mong trường học tổ chức học bán trú trong nhà trường. Học bán trú trong nhà trường thì phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn từ công tác giảng dạy, vấn đề sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, đến việc đi lại của các cháu. Từ đó, chúng tôi yên tâm để làm việc của mình”.
Để khắc phục tình trạng trên, ngành GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã cho phép các trường liên kết với trung tâm bên ngoài tiếp nhận dạy học, ăn uống 1 buổi và đưa đón học sinh đến trường. Tuy nhiên, việc liên kết này phải được quản lí bởi phòng Giáo dục-Đào tạo các địa phương để đảm bảo an toàn cho học sinh
Ông Nguyễn Phú Hải, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát cho biết, năm nay, Bến Cát tăng khoảng 3.000 học sinh. Ở khối THCS chỉ có 3/9 trường có bán trú, còn tiểu học thì cố gắng đảm bảo bán trú bằng cách tăng gấp đôi số học sinh theo quy định và tận dụng các phòng chức năng. Nếu trong quá trình giảng dạy, phụ huynh có yêu cầu tách lớp, đồng ý bán trú ngoài thì các trường phải báo cáo với phòng.
“Nếu trường nào có cơ sở bên ngoài mà đảm bảo quy định thì trường sẽ đề xuất lên. Phòng kết hợp với UBND xã, phường kiểm tra, khảo sát tất cả những tiêu chí nếu đáp ứng được thì mới được mở cơ sở bán trú ngoài trường. Từ đó không làm ảnh hưởng đến việc dạy thêm, hoặc hoạt động bên ngoài mà không có giấy phép”, ông Hải cho hay.
Thiếu gần 3.750 giáo viên, viên chức giáo dục
Không chỉ rơi vào tình trạng thiếu lớp, ngành giáo dục đào tạo Bình Dương còn thiếu hơn 3.200 giáo viên, 544 viên chức so với tiêu chuẩn bình quân về trường lớp. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên THCS, tiếp đến là tiểu học và mầm non.
Việc thiếu số lượng lớn giáo viên, viên chức làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Thế nhưng hiện nay việc tuyển dụng giáo viên không phải là dễ dàng.
Ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Tân Uyên cho biết, năm nay Tân Uyên được cho 238 chỉ tiêu nhưng chỉ mới nhận được 158 hồ sơ đăng ký, trong đó chỉ có 5 hồ sơ xin dạy mầm non. Tuyển giáo viên khó gây áp lực cho ngành trong công tác giảng dạy.
“Giải pháp của ngành giáo dục Tân Uyên, sau khi chúng tôi đã tuyển dụng phân bổ theo tỷ lệ các trường thì cho hợp đồng, cũng như thỉnh giảng ở những trường thiếu. Tiếp tục tham mưu cấp trên có những cơ chế, cũng như chính sách đặc thù cho ngành Giáo dục để thu hút được giáo viên”, ông Đông nói.
Việc khó tuyển giáo viên ngoài nguyên nhân do chế độ, thu nhập không đảm bảo, còn do Luật Giáo dục mới năm 2019 có hiệu lực ngày 1/7/2022 quy định, yêu cầu trình độ cao nên nhiều người không đủ điều kiện nộp hồ sơ. Cụ thể, trước đây, cấp tiểu học chỉ cần Trung cấp sư phạm thì nay đòi hỏi phải có bằng Đại học sư phạm. Mầm non bây giờ bắt buộc trình độ chuẩn phải cao đẳng.
Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đang tham mưu UBND tỉnh có chủ trương đào tạo bằng cách đặt hàng đối với các trường sư phạm. Ngoài thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, ở Bình Dương còn có tình trạng dụng cụ học tập, bàn ghế học sinh đã cũ, hư hỏng nhiều nhưng vẫn chưa được thay mới. Vấn đề này liên tục được phụ huynh học sinh phản ánh, kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã đi khảo sát, ghi nhận thực tế nhưng chưa giải quyết được vì vướng cơ chế.
“Đặc biệt những gói mua sắm tập trung, trong đó có mua sắm bàn ghế do vướng cơ chế đấu thầu có nhiều nội dung nên khó khăn. Hiện nay, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường trực thuộc tận dụng bàn ghế cũ sửa chữa lại để dùng tạm, khắc phục trong thời gian sở đang tham mưu ráo riết với UBND tỉnh để mua sắm tập trung, đặc biệt là bàn ghế phải mua sớm”, ông Phong lý giải.
Từ thực tế trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cần phải chủ động hơn nữa trong việc ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí xây trường, đồng thời có chế độ đãi ngộ để thu hút, giữ chân giáo viên. Đừng chờ học sinh tăng mới chạy theo xây trường, tuyển giáo viên. Chăm lo tốt học tập cho con em cũng là một trong những cách làm giúp Bình Dương giữ chân người lao động ở lại tỉnh trước bối cảnh dịch chuyển lao động như hiện nay.