Nhiều lần lỡ hẹn, cây cầu gần 800 tỷ bắc qua sông Cần Thơ chính thức hoạt động
VOV.VN - Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ được khởi công tháng 9/2020. Theo kế hoạch, tháng 6/2022 đưa vào khai thác, nhưng đơn vị thi công đã xin gia hạn đến tháng 12/2023. Aau nhiều lần trễ hẹn, sáng nay 26/4, Ban Quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ mới chính thức tổ chức lễ thông xe công trình này.
Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án 3 do Ngân hàng Thế Giới tài trợ. Đây là công trình giao thông cấp I, bắc qua sông Cần Thơ với điểm đầu tại bờ Ninh Kiều và điểm cuối tại bờ Cái Răng, có giá trị thực hiện 791 tỷ đồng.
Cầu có bề rộng bờ Ninh Kiều là 37m, bề rộng bờ Cái Răng là 23m, bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sàn vọng cảnh là 34,6m; tổng chiều dài cầu kể cả đường dẫn là 820m. Cầu được xây dựng dạng cầu vòm chạy giữa gồm 3 nhịp kết cấu theo 49+150+49m; tổng chiều dài cầu là 586,9m. Đây là công trình trọng điểm, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ cho biết, công trình cầu Trần Hoàng Na được khởi công xây dựng vào ngày 18/9/2020. Ngày 25/4/2024, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình cầu Trần Hoàng Na, đủ điều kiện đưa công trình vào khai thác sử dụng. Từ ngày 26/4/2024, cầu Trần Hoàng Na chính thức thông xe và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, chào mừng lễ 30/4 và 1/5.
Công trình do nhà thầu Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (CIENCO 1) và Công ty cổ phần Cầu 14 thi công. Sau khi hoàn thành, cầu được kỳ vọng sẽ góp phần thông thương giữa trung tâm quận Ninh Kiều với các khu đô thị phía Nam ra quốc lộ 1A. Ngoài ra, còn tạo điểm nhấn cảnh quan cho thành phố, mở ra cơ hội cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tăng tốc, thu hút khách du lịch nhất là tour tham quan trên sông./.