Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ dịp nghỉ hè
VOV.VN -Số trẻ bị đuối nước, bỏng, rắn cắn… gia tăng trong dịp các con nghỉ hè do người lớn ít có thời gian trông coi con em mình.
Cứ mỗi dịp hè về thì số lượng trẻ phải nhập viện do bị tai nạn lại tăng lên. Trong đó, số trẻ phải nhập viện cấp cứu do bị đuối nước lúc nào cũng chiếm đa số các trường hợp bị tai nạn trong dịp hè.
Miền Nam có nhiều kênh rạch và ao hồ, sông ngòi. Đây là những nguy cơ lớn khiến trẻ dễ bị tai nạn đuối nước nếu không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Ngày hè là thời điểm trẻ được ở nhà để vui chơi nên nguy cơ trẻ bị tai nạn, nhất là đuối nước càng tăng cao.
Theo thống kê của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì số trẻ bị đuối nước phải nhập viện những tháng hè tăng gấp đôi so với thời điểm trước hè. Nếu như trẻ ở thành phố hay bị đuối nước vì đi bơi ở các hồ bơi nhưng không có sự theo dõi của người lớn thì trẻ ở vùng quê bị đuối nước vì đi bơi ở ao hồ, sông suối.
Gần đây nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một cháu bé 2 tuổi ở quận 12 bị ngạt nước sau khi ngã úp vào hòn non bộ ngay trước nhà. Cháu bị di chứng não nặng và đã tử vong dù bệnh viện đã hết sức cứu chữa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị tai nạn trong ngày hè chính là sự bất cẩn của người lớn.
Chị Trần Thị T., một phụ huynh có con bị đuối nước nhưng may mắn được cứu sống cho biết: “Khi ẵm lên là bé bất tỉnh rồi, không còn biết gì nữa hết. Ông anh dốc ngược cháu bé xuống, cháu bé ói ra rồi mới ẵm vào bệnh viện kế nhà. Giờ sợ quá rồi, giờ cháu nó ở đâu thì mình ở đó”.
Một điều đáng lưu ý là mùa hè năm nay, các bệnh viện Nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khá nhiều các trường hợp trẻ bị ong đốt và rắn cắn. Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chỉ tính từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ ở các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ và Tiền Giang bị rắn cắn. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu hè đến nay cũng có ít nhất 3 trường hợp trẻ bị rắn cắn, trong đó có 1 cháu bé 13 tuổi nghi bị rắn hổ mèo cắn khiến ngón tay út bị hoại tử.
Một trường hợp trẻ bị rắn cắn đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Những trường hợp rắn cắn thì diễn tiến rất phức tạp: bị tổn thương chỗ vết cắn, bị rối loạn đông máu, có những trường hợp ngưng thở. Đa số nhập viện trong tình trạng rất nặng. Hiện nay phần lớn đều có huyết thanh kháng nọc rắn nên điều trị thành công, chỉ có hổ mèo thì chưa có huyết thanh. Những trường hợp này điều trị bằng cách kết hợp cắt lọc vết thương và dùng kháng sinh cao cấp chống nhiễm trùng nặng”.
Mùa hè cũng là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn thương tích trong khi vui chơi ở ngay trong nhà như: bị phỏng do té ngã vào nước nóng; bị gãy chân tay hoặc bị điện giật. Nguy hiểm hơn là gần đây nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa phẫu thuật cho một trường hợp cháu bé 3 tuổi ở tỉnh Bình Phước bị dao đâm thấu não ở vùng thái dương trong khi chơi đùa ở nhà mà không có bố mẹ trông coi. Các bác sĩ cũng lưu ý với những trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể thì không nên vội vàng rút dị vật ra ngay vì có thể sẽ không cầm được máu cho nạn nhân.
Cháu bé 3 tuổi ở Bình Phước bị dao đâm vào vùng thái dương đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 |
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Lúc tai nạn xảy ra thì không có người lớn chứng kiến. Người mẹ đang đi làm ở gần đó, nghe mấy đứa nhỏ khóc thì chạy về thì thấy con gái bị dao cắm vào vùng thái dương phải. Các cháu bé cho biết trong khi vui chơi bị té, con dao với cán dài 1 tấc, lưỡi dao khoảng 3cm thì cắm lút đến cán. Nhưng may mắn là không đâm trúng mạch máu lớn nên không bị mất máu nhiều”.
Có thể nói, cứ vào dịp hè thì số trẻ bị các loại tai nạn thương tích lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu vì thiếu sự theo dõi, giám sát của người lớn. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, ước tính cứ vào dịp hè thì số trẻ bị đuối nước, điện giật tăng gấp đôi so với thời điểm trước hè, bị phỏng hoặc rắn cắn tăng từ 30-40%.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý: “Vào đầu hè, trẻ bị tai nạn nhiều hơn các tháng trước hè vì trẻ chưa đi học và đi chơi nhiều hơn, tai nạn xảy ra nhiều hơn. Người nhà, cha mẹ phải cẩn thận trông nom trẻ, đặc biệt là trẻ khoảng chập chững biết đi hoặc trẻ mẫu giáo. Chỉ cần sơ sẩy chút xíu là trẻ bị tai nạn ngay”.
Để tránh những tai nạn thương tích cho trẻ trong ngày hè, ngoài việc tạo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ thì các bậc phụ huynh cũng phải luôn để mắt quan sát con em mình và phải biết cách sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra. Với các trường hợp trẻ bị đuối nước, điện giật hoặc rắn cắn thì sơ cấp cứu ban đầu được xem là cực kỳ quan trọng./.