Nhiều trụ sở cơ quan nằm ở khu “đất vàng” nhưng bị bỏ hoang lãng phí

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội nêu thực tế, nhiều cơ sở, trụ sở cơ quan bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Trong khi đó, một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc trung ương ở các tỉnh lại chật hẹp, không đủ diện tích, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc.

Chiều nay (31/10), tiếp tục thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn Quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Đại biểu nhận định, việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc khoa học, khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục, đã làm rõ thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo phản ánh của đại biểu Trần Đình Gia, công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định; quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các điều kiện để quản lý nhà nước đối với các tỉnh khó khăn, góp phần để nâng cao thu hút đầu tư giúp các tỉnh này có nguồn thu ngân sách tốt hơn trong tương lai..

Cùng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc công, công tác rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế.

“Ở một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2 đến 3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không hoặc chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp còn gặp khó khăn, do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, giá trị giảm do không nằm ở vị trí trung tâm”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nói.

Bên cạnh đó, một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức, cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở bị bỏ hoang. Đại biểu đơn cử như thực trạng hiện nay ở một số chi Cục Thi hành án dân sự cấp huyện trên địa bàn cả nước đã được xây dựng từ năm 2001 với quy mô cho 4 đến 5 biên chế, nay do công việc nhiều hơn đã có 10 biên chế, chỗ làm việc rất chật hẹp, một số chi cục thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng phải đi thuê, trong khi kho vật chứng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa để lưu giữ vật chứng để phục vụ xét xử, vừa là nơi để tạm giữ tài sản khi thực hiện thi hành án dân sự.

Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cũng cho rằng, việc thu hồi, điều chuyển trụ sở làm việc dôi dư gần đây đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư. Một số cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng, giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.

Theo đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Pháp luật hiện nay chưa có quy định về thời hạn xử lý tài sản dôi dư do sắp xếp tổ chức, bộ máy, một số vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi bán trụ sở làm việc, quy trình xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể còn nhiều bất cập.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Tôi đồng tình cao với nguyên nhân đã nêu trong báo cáo là công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài, không kịp thời xử lý các vướng mắc nên khó khăn trong việc thu hồi, sắp xếp, nhiều tổ chức, cá nhân cố chây ỳ tiếp tục đề xuất giữ lại cơ sở nhà đất để sử dụng không đúng mục đích. Nhưng tôi cho rằng việc thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền vẫn là chủ yếu”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh thẳng thắn chỉ rõ.

Để tránh tiếp tục lãng phí trụ sở công như trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở, cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý theo quy định.

Các bộ, ngành có trụ sở dôi dư ở các địa phương khẩn trương có phương án tổ chức thu hồi, điều chuyển, xử lý, bàn giao cho địa phương theo quy định để đưa các trụ sở, nhà đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân chây ì, không thực hiện. Khắc phục các vướng mắc, khó khăn về các quy định về quản lý trụ sở làm việc công để các quy định đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại biểu Quốc hội: Lãng phí trách nhiệm có sức tàn phá lớn
Đại biểu Quốc hội: Lãng phí trách nhiệm có sức tàn phá lớn

VOV.VN - Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) có những lãng phí vô hình, có sức tàn phá lớn đó là lãng phí trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội: Lãng phí trách nhiệm có sức tàn phá lớn

Đại biểu Quốc hội: Lãng phí trách nhiệm có sức tàn phá lớn

VOV.VN - Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) có những lãng phí vô hình, có sức tàn phá lớn đó là lãng phí trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý dự án, quy hoạch "treo"
Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý dự án, quy hoạch "treo"

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng dự án treo, quy hoạch treo, như kiên quyết thu hồi, hủy bỏ hoặc đánh thuế cao, xử lý trách nhiệm...

Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý dự án, quy hoạch "treo"

Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý dự án, quy hoạch "treo"

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng dự án treo, quy hoạch treo, như kiên quyết thu hồi, hủy bỏ hoặc đánh thuế cao, xử lý trách nhiệm...

Cần giải pháp quyết liệt chặn lãng phí tài sản công
Cần giải pháp quyết liệt chặn lãng phí tài sản công

VOV.VN - Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, lãng phí tải sản công là việc khó chấp nhận. Việc này không những làm suy giảm lòng tin của người dân vào hoạt động của hệ thống cơ quan công quyền mà còn khiến cho việc kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở nên hình thức.

Cần giải pháp quyết liệt chặn lãng phí tài sản công

Cần giải pháp quyết liệt chặn lãng phí tài sản công

VOV.VN - Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, lãng phí tải sản công là việc khó chấp nhận. Việc này không những làm suy giảm lòng tin của người dân vào hoạt động của hệ thống cơ quan công quyền mà còn khiến cho việc kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở nên hình thức.