Nhiều trường nghề ở Hà Nội mở mã ngành mới
VOV.VN - Năm 2024, ngành giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đào tạo hơn 2,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Ngay từ đầu năm nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh những ngành nghề “hot”, mở thêm các mã ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ngay từ đầu năm, một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn Hà Nội thông báo tuyển sinh năm 2024. Cụ thể, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu với 42 nghề cho 9 nhóm ngành: Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Cơ khí, Chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ ô tô, Ngoại ngữ, Kinh tế - Du lịch, Môi trường, Nông nghiệp.
Một số trường cũng có chỉ tiêu tuyển sinh lớn như: Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc dự kiến tuyển sinh hơn 1 nghìn chỉ tiêu trình độ cao đẳng, trung cấp; Trường cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội tuyển sinh khoảng 2.000 chỉ tiêu trình độ cao đẳng.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh 1.900 học sinh, sinh viên, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 1.000 chỉ tiêu với các ngành “hot” như: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Hàn công nghệ cao, Cắt gọt kim loại, Quản trị mạng máy tính. Với những mã ngành đang tuyển sinh, nhà trường tăng cường đào tạo thêm về ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Ngành nghề mà hiện nay giới trẻ đang có nhu cầu ở trường chúng tôi vẫn thiên về ngành liên quan đến kỹ thuật, liên quan đến công nghệ. Phụ huynh và các em cũng hướng đến ngành nghề dễ có việc làm, lương cao và cơ hội phát triển sau này. Đặc biệt có nhiều ngành nghề ở tại trường chúng tôi, đơn đặt hàng doanh nghiệp các nước sang bên này, thường các em lựa chọn theo hướng đó, chúng tôi tư vấn làm thế nào để phù hợp nhất với năng lực của các em. Chúng tôi tuyển sinh năm nào cũng đạt khoảng 95% so với chỉ tiêu chúng tôi đặt ra”, ông Ngọc nói.
Sự phục hồi của ngành du lịch đang cần rất nhiều nhân lực về lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch. Nhiều trường cao đẳng nghề đã mở thêm mã ngành này để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết, ngoài việc mở thêm mã ngành mới, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, do đó, sinh viên sẽ được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
“Trong những năm gần đây, chúng tôi cũng đã mở nhiều các mã ngành mới để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Năm ngoái, chúng tôi cũng có thêm một ngành về du lịch lữ hành, chăm sóc sắc đẹp thì cũng đã tuyển sinh rất là tốt. Các ngành về công nghệ kỹ thuật, một số ngành nghề thì tôi điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi cũng có thêm một ngành mới nữa là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Năm tới thì chúng tôi cũng sẽ mở thêm một số các mã ngành cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, dự kiến sẽ có khoảng 4 mã ngành nghề mới”, ông Huy cho biết.
Nhóm ngành Cơ khí, Điện – Điện tử và Công nghệ thông tin là nhóm ngành công nghệ cao mà thị trường lao động đang “khát” nhân lực... Năm 2024, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là trường đầu tiên trong cả nước chính thức tuyển sinh nghề Kỹ thuật thang máy với 100 chỉ tiêu; nghề Tiếng Đức trình độ cao đẳng với 50 chỉ tiêu giúp học sinh có thêm cơ hội trong việc lựa chọn ngành nghề.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Công nghệ cao Hà Nội cho biết, việc kết nối với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà trường đã giải quyết hiệu quả mục tiêu kép nâng chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
“Những nghề mà có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội, sắp tới chúng tôi sẽ mở các ngành mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mở ngành về nông nghiệp công nghệ cao, trong ngành du lịch thì sẽ hướng đến du lịch sinh thái, một số ngành liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế toàn hoàn. Chúng tôi cũng hướng đến như vậy, đặc biệt là ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn hiên nay như lập trình chíp bán dẫn… thì nhà trường cũng có xu hướng sẽ mở ngành nghề thị trường đang cần”, ông Khánh nói.
Một số ngành nghề không còn phù hợp trong tương lai, các trường nghề cũng đã linh hoạt chuyển đổi sang đào tạo ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với việc chuyển đổi nghề, các trường nghề cũng xây dựng chương trình phù hợp để đáp ứng chuẩn đầu ra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Bà Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội cho biết, các trường nghề đã linh hoạt hơn trong đào tạo để học sinh, sinh viên có được những lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu thị trường và có việc làm ngay sau khi ra trường.
“Với xu thế của xã hội, các ngành nghề mới, đặc biệt là Logistic, công nghệ 4.0 đang rất “hot” và mở rộng rất nhiều. Để tiếp cận những xu hướng này, với mô hình đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang làm tương đối tốt. Hiện nay học sinh của chúng tôi đang được đào tạo tại các doanh nghiệp một số ngành nghề cơ bản như: công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp…Chúng tôi đã đưa học sinh đi thực tập, trải nghiệm ngay trong quá trình đang học. Từ chương trình đào tạo, chúng tôi cũng phải có hướng để thay đổi cho phù hợp với các mô đun đào tạo tại doanh nghiệp, phải chỉnh sửa chương trình đào tạo, các trang thiết bị máy móc cũng phải thay đổi theo thị trường hiện nay”, bà Hà nhìn nhận.
Những năm vừa qua, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Nhiều trường nghề ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Năm 2024, sẽ có 2,1 triệu người tốt nghiệp, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người. Cũng trong năm nay, ngành giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đào tạo 2,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, ngoài việc tăng chỉ tiêu đào tạo thì cũng cần chú ý đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang tham gia thị trường lao động.
“Lực lượng đang làm việc trong nền kinh tế chưa được đào tạo còn rất nhiều, rất lớn. Do vậy, nhu cầu giữa đào tạo mới và đào tạo lại, tăng quy mô trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức tuyển mới từ lực lượng chuẩn bị bước vào thị trường lao động thì sẽ không tăng nhiều, mà đa phần chúng ta phải đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, tức là lực lượng đang hiện hữu, đang làm việc trong nên kinh tế và trong các doanh nghiệp, một là để chuẩn hóa, hai là nâng cao trình độ kỹ năng để họ thích ứng được với công việc”, ông Đô cho biết.
Với gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp.