Nhịp cầu với người xa quê

Đã 30 năm nay, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc là diễn đàn chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào với quê hương, đất nước.  

Sáng 25/8, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc (Hệ Đối ngoại VOV5 - Đài TNVN) tổ chức gặp gỡ, giao lưu nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Dự cuộc gặp gỡ có ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN; ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các ban biên tập trong Đài cùng đại diện Việt kiều các nước: Nga, Pháp, Mỹ, Ba Lan, Đức…

Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc nhận bằng khen của Tổng giám đốc Đài TNVN.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: “Trong suốt 30 năm qua, phòng Việt kiều đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, là cầu nối giữa bà con trong nước với kiều bào khắp năm châu. Cùng với những thay đổi của đất nước, Đài TNVN nói chung và phòng Việt kiều nói riêng đã truyền tải các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân và kiều bào ở nước ngoài”.

Ông Đặng Thế Hùng nêu rõ: Những năm gần đây, sự phối hợp giữa Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đài TNVN ngày càng khăng khít, hiệu quả, đặc biệt sau khi hai bên ký thoả thuận phối hợp công tác vào năm 2009. Không chỉ truyền tải thông tin ra thế giới, Đài TNVN còn phản ánh chân thực đời sống của kiều bào, giới thiệu những gương mặt tiêu biểu, kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam…

Ông Đặng Thế Hùng mong muốn thời gian tới, Đài TNVN nói chung và phòng Việt kiều nói riêng sẽ tiếp tục hợp tác để bà con kiều bào gần với quê hương hơn, trở về đóng góp tích cực hơn cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đồng thời, Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả trong mặt trận chống lại giọng điệu xuyên tạc của các thế lực phản động và dần dần cảm hoá những lực lượng thiểu số còn đi ngược lại với lợi ích của dân tộc.

Nhà báo Hoàng Hướng - trưởng phòng Việt Kiều phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Cách đây 30 năm, ngày 16/8/1981, Bộ biên tập Đài TNVN quyết định thành lập Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc (còn gọi là phòng Việt kiều) trên cơ sở của chương trình thời sự lúc 0h được phát sóng từ năm 1973 với nhiệm vụ chính đưa những thông tin nhanh về tình hình chiến sự ở trong nước phục vụ trực tiếp cho phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Paris và kiều bào ta ở nước ngoài.

30 năm qua, vượt lên rất nhiều khó khăn, cán bộ, phóng viên của phòng Việt kiều đã có mặt trên khắp các nẻo đường đất nước. Những thông tin mới nhất về sự phát triển của đất nước được chuyển tải đến đồng bào qua hơn 20 chuyên đề, tiết mục như: Tin tức, Thời sự chính trị, Bình luận quốc tế, Câu chuyện với người xa quê, Tiếng quê hương với người xa xứ, Những tấm lòng vì Việt Nam…

Hiện nay, phòng Việt kiều thực hiện 2 chương trình phát thanh: Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc với thời lượng 60 phút, phát sóng ngắn 8 lần/ngày ra nước ngoài theo các múi giờ khác nhau và Chương trình người Việt ở nước ngoài với quê hương có thời lượng 10 phút, phát 2 buổi/tuần trên sóng Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp VOV1. Đặc biệt, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc còn được phát sóng trực tuyến hàng ngày trên Báo điện tử VOVNEWS ở địa chỉ: www.vov.vn.

Cán bộ, phóng viên Hệ Đối ngoại VOV5 - Đài TNVN chụp ảnh lưu niệm.

Với cách nói, viết sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đã bắc một nhịp cầu âm thanh, nối những khúc ruột nơi xa về với quê cha, đất Tổ.

Phóng viên VOVNEWS ghi lại một số cảm xúc của thính giả dành cho chương trình

** Ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ: “Tiếng nói Việt Nam là món quà vô giá”

Ở New Oleans, bang Louisiana (Mỹ) có 1 chợ cóc ven đường, người Việt gọi là chợ Chồm Hổm (tức là chợ ngồi xổm). Ở đó, bán rất nhiều thứ không phục vụ người dân Mỹ nhưng lại rất quen thuộc với người Việt như: rau thơm, rau muống, ớt, tương, cà. Người Việt chúng tôi dùng ô tô để chở rau ra chợ, không phải vì sinh kế mà vì được gặp gỡ, được nói tiếng quê hương.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ không phải ai cũng nói tốt tiếng Anh, nhất là các thế hệ những người lớn tuổi, con cái đi làm xa nên ai cũng mong muốn được gặp đồng hương, được trò chuyện bằng chính tiếng nói của quê cha đất tổ. Điều mà những người xa quê chúng tôi thiếu là hình ảnh đầm ấm ở quê hương, bởi thế, ai cũng muốn tái hiện lại những hình ảnh quen thuộc như mái tranh quê, phiên chợ làng hay chỉ là một bữa cơm đoàn viên đầm ấm cho vơi đi nỗi nhớ nhà.

Thật may mắn đối với chúng tôi, cách đây 30 năm, Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc ra đời. Ngày đó, thông tin trong nước rất thiếu, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại thường đưa tin sai lệch, vì vậy Tiếng nói Việt Nam là món quà vô giá mà chúng tôi có được. Từ việc chỉ cần được nghe tiếng Việt cho đến khi tiếp cận thông tin thời sự hàng ngày, nhất là những bài hát dân ca, những chương trình văn nghệ đặc sắc đã giúp chúng tôi như được gần với nơi chôn rau cắt rốn của mình hơn. Những năm gần đây, người Việt ở trên thế giới về thăm quê nhiều hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn, tôi nghĩ, một phần động lực để chúng tôi mạnh dạn trở về và có vai trò với đất nước là nhờ thông tin hàng ngày được tiếp nhận qua Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi đã về thăm quê, xúc tiến đầu tư trong nước được hơn 20 năm. Hội liên lạc thân nhân Việt kiều thành phố Hải Phòng, nơi tôi là một thành viên thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, thông tin của Đài TNVN. Chúng tôi luôn ghi nhớ vai trò của Đài TNVN trong mỗi bước trưởng thành của phòng trào Hội ngày nay.

** Ông Hoàng Xuân Bình, Việt kiều Ba Lan: “Chương trình dạy tiếng Việt của Đài rất có ý nghĩa đối với bà con kiều bào”

Chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Hồi đó, thông tin trong nước còn ít và thiếu nên khi thông tin của Đài đến với chúng tôi thật quan trọng và đáng tin cậy. Ngày nay, ngay cả khi các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng phát triển và bùng nổ mạnh thì tiếng nói phát ra từ đài vẫn thu hút được hàng triệu thính giả. Hiện nay, xã hội phát triển, các phương tiện giao thông công cộng cũng phát triển. Hàng ngày, họ đi ô tô và phải mất từ 2 đến 3 tiếng mới đến chỗ làm. Thời gian đó, họ không thể làm được gì ngoài nghe đài. Vì vậy, các bạn phải luôn cải tiến chương trình để thính giả có thể nghe được đài, tiếp cận các thông tin của đài, thông qua các chương trình phát thanh biết chính xác về tình hình đất nước.

Là người làm việc trong ngành giáo dục và đã có 10 năm dạy tiếng Việt cho con em của kiều bào, tôi thấy chương trình dạy tiếng Việt của Đài Tiếng nói Việt Nam  thực sự bổ ích, soạn thảo công phu, rất có ý nghĩa đối với bà con kiều bào trong việc dạy dỗ con em của họ. Trong nhiều năm dạy tiếng Việt cho con em, tôi thấy  khó khăn nhất là làm thế nào để soạn thảo chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em từ lớp 1 đến lớp 4. Sang lớp 5 chương trình đổi khác nữa. Vì vậy, chương trình Tiếng Việt phải cải tiến hơn nữa đển cho phụ huynh hiểu hơn, và từ đó mới dạy tốt cho con em mình.

** TS Bùi Kiến Thành, Việt kiều Mỹ: Những lời ca tiếng hát qua làn sóng của Đài đã đi vào tâm hồn của những người xa quê

Tôi là một thính giả gắn bó lâu đời với Đài TNVN. Tôi đã sang Mỹ được hơn 60 năm nhưng đối với quê hương đất nước thì luôn luôn gắn bó, một phần đó là do nghe Đài TNVN. Các bạn đã vận dụng âm thanh để giúp chúng tôi liên lạc với đất nước. Đây là điều quý giá đối với chúng tôi và chúng tôi rất cảm ơn Đài TNVN. Tôi là người con của đất Quảng Nam, có những điều làm cho tôi không thể nào quên được hình ảnh quê hương nghèo xơ xác, mùa mưa về lũ lụt ngập…

Vì vậy, đối với những người xa quê hương như chúng tôi không có gì thân thiết bằng Tiếng nói Việt Nam. Chính những điệu hò, lời ca vọng cổ, làn điệu quan họ đã đi vào tim, tâm hồn của chúng tôi. Những lời nói của Tiếng nói Việt Nam đã gợi cảm cho chúng tôi về hương, đất nước. Chúng tôi luôn luôn nhớ rằng, mỗi người trong chúng ta dù sống ở đâu cũng phải có trách nhiệm đối với đất nước Việt Nam thân yêu và luôn luôn nhớ rằng, người Việt Nam dù sống ở đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước. Chúng tôi là một người dân Việt Nam, dòng máu Việt Nam chảy trong tim thì không thể nào quên điều này. Nhờ tiếng nói của Đài Tiếng nói Việt Nam làm chúng tôi trở nên thân thiết hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên